Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Kích hoạt vốn đầu tư sang Lào

11/3/2014 9:45:45 AM

Chỉ cách đây hơn một tuần (ngày 22/10), các hợp đồng tư vấn, lập báo cáo khả thi Dự án Xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ Cảng biển Hòn La (Quảng Bình, Việt Nam) sang tỉnh Khăm Muộn (Lào) đã được ký kết giữa Công ty cổ phần Lao Petro (Petro Lao) và Công ty Ennergy Commodities (Slovakia). Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 300 - 500 triệu USD, do Chính phủ Lào đầu tư và Petro Lao làm đầu mối thực hiện.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, đây là một trong những dự án trọng điểm mà nhiều năm qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), đơn vị được Lao Petro lựa chọn là nhà tư vấn các thủ tục pháp lý, đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ hai bên hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nếu được thông qua, đây sẽ là dự án có quy mô lớn nhất mà Lào đầu tư trên đất Việt Nam. Tính đến hết tháng 10/2014, Lào đã đầu tư sang Việt Nam 8 dự án, với tổng vốn đăng ký 66,7 triệu USD.

Trong khi vốn đầu tư từ Lào sang Việt Nam còn khá hạn chế, và điều đó là dễ hiểu, thì thời gian qua, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã được kích hoạt một cách mạnh mẽ. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến nay, Lào đã cấp phép 413 dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Việt Nam đứng vị trí thứ ba (sau Trung Quốc và Thái Lan) trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào, song Lào lại là thị trường đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam.

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào, theo thông tin của Báo Đầu tư, ngày càng mạnh mẽ hơn, nhất là sau Tọa đàm Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 2/2012. Theo số liệu của AVIL, kể từ sau Tọa đàm lần thứ nhất, có thêm 40 dự án đầu tư từ Việt Nam sang Lào, với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Trong đó, tập trung lớn nhất vào khu vực Trung, Nam Lào, với 36 dự án, vốn đầu tư 1,53 tỷ USD, nâng tổng số dự án của Việt Nam tại khu vực này lên 199 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 4,7 tỷ USD, chiếm 95,4% tổng vốn đầu tư vào Lào của các doanh nghiệp Việt.

“Đây là khu vực thu hút được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIL nhận định.

Ở khu vực này, có một loạt dự án quy mô lớn mà các doanh nghiệp Việt đã đầu tư, như dự án 1,2 tỷ USD của Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai; dự án 1 tỷ USD của Công ty Golf Long Thành; dự án 760 triệu USD của Công ty cổ phần Điện Việt - Lào… Bên cạnh đó, còn có thể nhắc đến dự án 250 triệu USD của Tập đoàn Hà Đô; dự án 275 triệu USD của Tập đoàn Sông Đà; hay dự án 84 triệu USD của Viettel…

Đánh giá về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, với khoảng 900 triệu USD đã được giải ngân, một số dự án đầu tư đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, nhà đầu tư đã có doanh thu và đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan nhà nước Lào và tạo ra việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Lào. “Những đóng góp của các doanh nghiệp này đã nhận được sự đánh giá cao của Chính phủ Lào”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Số liệu thống kê cho thấy, các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào hoàn thành, đưa vào sử dụng có thể mang lại doanh thu khoảng 150 triệu USD cho Lào trong năm 2014, đóng góp 1,3% tổng GDP Lào, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 30 vạn lao động…

Những trái ngọt đầu tiên đã được hái. Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn, đó là có thể tiếp tục tăng cường đầu tư và sản xuất - kinh doanh thuận lợi tại Lào. Hiện tại, hàng loạt dự án đã được các doanh nghiệp Việt Nam lên kế hoạch đầu tư tại đây. Chẳng hạn, Dự án Muối mỏ kali của Tập đoàn Hóa chất, hay Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh Tổ hợp khách sạn 5 sao tại TP. Viêng Chăn, của liên doanh giữa Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Viêng Chăn và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM); Dự án Khảo sát thăm dò khai thác khoáng sản barite tại Savanakhet của Liên doanh DMC-VTS của Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (DMC)...

“Chúng tôi hy vọng, sau tọa đàm lần thứ hai này, sẽ có thêm nhiều dự án được cấp phép và vốn đầu tư Việt - Lào sẽ được kích hoạt mạnh mẽ hơn nữa”, ông Trần Bắc Hà bày tỏ.

Hiệu quả đã được ghi nhận rõ rệt sau Tọa đàm Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ nhất, nên dễ hiểu vì sao nhiều kỳ vọng được đặt ra với tọa đàm lần thứ hai. Song theo AVIL, bên cạnh nỗ lực kết nối của Hiệp hội và của các doanh nghiệp thành viên, thì còn nhiều cơ chế, chính sách cần được khơi thông, để dòng chảy vốn đầu tư Việt - Lào thêm mạnh mẽ và có hiệu quả cao hơn.

Chẳng hạn, những vấn đề liên quan đến cơ chế ưu đãi vay vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư ở Lào, hay việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Chưa kể, ở chiều ngược lại, cũng rất cần những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của phía Lào, thậm chí là sự linh động trong giải quyết vướng mắc mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải, đặc biệt là vướng mắc trong lĩnh vực đất đai…

Tất cả các nội dung trên, theo AVIL, sẽ được các doanh nghiệp đề cập tại Tọa đàm Hợp tác kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ hai, với kỳ vọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp Việt Nam và Lào đầu tư và kinh doanh thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Lào, cũng như thúc đẩy hợp tác song phương.

Tọa đàm Hợp tác kinh tế các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ của Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào lần thứ hai dự kiến tổ chức vào ngày 2/11/2014 tại Quy Nhơn, Bình Định.

* Chương trình được tổ chức nhằm kiểm điểm đánh giá hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch giữa hai nước vào khu vực Trung Nam Lào trong giai đoạn 2011 - 2014; Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh Trung Nam Lào.
 

* Đây là diễn đàn để cơ quan chức năng hai nước giới thiệu về tiềm năng, cơ hội và các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực Trung Nam Lào, đồng thời, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và các doanh nghiệp Lào tại các tỉnh Trung, Nam Lào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội đầu tư và đối thoại với Chính phủ hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư tại các tỉnh Trung, Nam Lào.
* Tọa đàm do Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) phối hợp với Phân ban Hợp tác Việt Nam - Lào và Phân ban Hợp tác Lào - Việt đồng tổ chức

Theo báo Đầu tư.

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
VST lên kế hoạch thoái vốn khỏi Pdimex JSC (11/3/2014 9:36:56 AM)
Đồng Tháp hợp tác với Hàn Quốc phát triển nông nghiệp (10/31/2014 10:14:35 AM)
Giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Nhật bản (10/31/2014 10:13:36 AM)
Kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói, thảm quý III/2014 tăng 0,8% (10/31/2014 10:10:30 AM)
Thanh long trái vụ tăng giá mạnh (10/31/2014 10:08:22 AM)
Hải quan TP.HCM: Tháo gỡ vướng mắc cho DN châu Âu (10/30/2014 9:39:24 AM)
Kim ngạch thương mại Malaysia-Việt Nam dự kiến đạt hơn 10 tỷ USD (10/30/2014 9:23:11 AM)
Giá sữa thành phẩm nhập khẩu không giảm, giá trong nước khó giảm (10/30/2014 9:18:57 AM)
Tiêu thụ ô tô tăng mạnh (10/30/2014 9:17:55 AM)
Tác động FTA ASEAN-Ấn Độ tới trao đổi thương mại Việt Nam-Ấn Độ (10/29/2014 10:10:43 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com