Trong khi giá xăng dầu thế giới đang giảm mạnh thì dường như những gì liên quan đến xăng dầu tại Việt Nam, trong đó có giá vé máy bay vẫn đang cố làm ngơ không giảm giá vì lấy lý do lúc giá tăng mạnh, họ cũng đâu có được tăng theo nhiều. Vâng, cũng có thể là họ không tăng ngay giá vé lúc có biến động, nhưng mỗi lần điều chỉnh giá của hàng không đều khiến hành khách ngã ngửa, khiến giấc mơ đi lại bằng đường không của nhiều người dân vẫn ngày càng "bay xa".
Đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết: chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí khai thác của các hãng hàng không (khoảng 37-38%) nên giá dầu giảm sẽ tạo cơ hội tốt cho các hãng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, việc giá xăng tăng hay giảm đều được tính vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi hãng và được xem xét trong cả năm hoạt động. Khi giá xăng dầu giảm, hàng không cũng điều chỉnh phụ thu xăng dầu cho phù hợp, song, việc điều chỉnh sẽ căn cứ vào các yếu tố: xu hướng giảm là dài hạn hay tạm thời, giá dầu thô vào thời điểm hãng đặt mua (thông thường là trước đó nhiều tháng) và tương quan chung so với các hãng hàng không khác trên thị trường.
Đại diện hãng hàng không Jetstar Pacific cũng cho biết chi phí xăng dầu hiện chiếm 42% tổng chi phí của hãng. Vì thế, giá dầu giảm là tín hiệu tốt để giảm chi phí, góp phần cải thiện chênh lệch với doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh và đặc thù của hàng không nội địa.
Giá xăng dầu giảm đúng là cơ hội tốt các hãng tiết kiệm chi phí và có thể tăng lợi nhuận. "Đây là cơ hội để giảm giá vé nhưng không có nghĩa sẽ tác động ngay đến sản phẩm bán ra, bởi khi giá xăng tăng cả thời gian dài thì các hãng cũng không thể quyết định điều chỉnh tăng giá vé ngay được"- ông Nguyễn Văn Sỹ đại diện Jetstar Pacific cho hay.
Theo các hãng hàng không lập luận, do thường xuyên áp dụng các chương trình giảm giá, khuyến mại nên giá vé máy bay của họ cũng thường xuyên thấp hơn mức trần từ 10-20%.
IATA - Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế - đại diện cho 250 hãng hàng không trên thế giới, chiếm 84% lượng lưu thông hàng không toàn cầu cũng mới ra tuyên bố, giá vé máy bay sẽ đồng loạt giảm 5,1 % vào năm tới do giá nhiên liệu giảm mạnh.
IATA kỳ vòng lợi nhuận của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu năm 2015 sẽ lập kỷ lục, đạt mốc 25 tỷ USD. Năm nay, con số này là gần 20 tỷ USD, tăng gần 2 tỷ so với dự báo hồi tháng Sáu.
Lợi nhuận ròng mà các hãng thu được từ mỗi hành khách trung bình là 7,08 USD, tăng so với 6,02 USD năm 2014 và gần gấp đôi so con số 3,38 USD của năm 2013.
Đợt tăng trần giá vé máy bay gần đây nhất diễn ra vào cuối năm 2011 khi giá dầu đang ở mức 125USD/thùng và vào thời điểm hiện tại giá dầu chỉ còn chưa tới 60USD/thùng. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hãng hàng không nào đưa ra đề xuất giảm trần giá vé máy bay.
Cục Hàng không cho biết, đang xem xét khả năng giảm trần giá vé máy bay trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền. Theo đó, Cục Hàng không sẽ có văn bản yêu cầu các hãng thống kê lại chi phí từ đó xem xét điều chỉnh giá vé.
Tuy nhiên, khi xăng dầu liên tục giảm trong thời gian dài như vừa qua thì việc xem xét giảm giá vé máy bay được coi là quá muộn. Cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ chi phí nhiên liệu, trong thời gian gần đây nhiều hãng vận tải,taxi cũng đã đồng loạt giảm giá nhưng vẫn bị đánh giá là chậm chạp.