Nằm trong tốp những doanh nghiệp logistics nội địa hàng đầu, SFI hoạt động trong 03 lĩnh vực chính: đại lý giao nhận vận tải, kho vận (kho bãi và vận tải) và đại lý tàu biển với EPS luôn duy trì ở mức ~ 3.500 đ/cp trong liên tục nhiều năm qua.
Hiện tại, dịch vụ đại lý giao nhận là mảng hoạt động chiếm tỷ trọng lớn (~25 %) trong cơ cấu doanh thu thuần (DTT) của SFI. Doanh thu của mảng này vốn phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa XNK. Tuy nhiên, việc sở hữu thương hiệu uy tín lâu năm, đội ngũ bán hàng kinh nghiệm và hệ thống đại lý lớn ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới giúp SFI kí kết được nhiều hợp đồng giao nhận dài hạn và duy trì lượng đơn hàng đều đặn trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
Đồ thị 1: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của SFI
Đồ thị 2: Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực của SFI
Mặt khác, một trong những mối quan ngại lớn đối với ngành logistics Việt Nam nói chung và SFI nói riêng là sự sự gia nhập của các công ty giao nhận nước ngoài (Fedex, DHL, Schenker…). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VDSC, điều này chưa có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của SFI do những công ty logistics nước ngoài chủ yếu phục vụ những đơn hàng được chỉ định sẵn của các doanh nghiệp FDI lớn và tập đoàn toàn cầu như LG, Samsung….
Trong khi đó, phân khúc hoạt động chính của SFI là những khách hàng công nghiệp và bán lẻ quy mô trung bình và nhỏ vốn đem lại biên LNG tốt hơn (~20% nếu thực hiện đầy đủ các dịch vụ). Tuy nhiên, nhận định nhóm FDI là những khách hàng rất tiềm năng nhờ quy mô xuất nhập khẩu lớn, SFI cũng đang thâm nhập vào phân khúc này qua việc làm đại lý giao nhận cho một số hãng dệt may, xe ô tô và bán lẻ như Nike, Toyota, Nissan, Aeon… và nâng cao chất lượng dịch vụ để trở thành đại lý cấp 2 của các công ty logistics nước ngoài.
Đồ Thị 3: Kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm
VDSC nhận thấy giữa HMH và SFI có nhiều điểm tương đồng trong hoạt động kinh doanh và kế hoạch phát triển 2015. Tháng 9 vừa qua, SFI đã thoái vốn theo lộ trình khỏi liên doanh với hãng tàu Yusen (Nhật Bản) thu về khoảng tiền mặt lên đến 109 tỷ đồng. Đây là yếu tố khiến VDSC quan ngại do liên doanh này hoạt động rất hiệu quả và đóng góp khá lớn vào lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất của SFI (~40% trong năm 2013).
Hiện SFI đã có kế hoạch bù đắp khoản LN bị sụt giảm này bằng việc đầu tư nâng diện tích cho thuê kho cũng như tìm mua lại các công ty kho vận nhỏ trong ngành nhằm mở rộng khả năng cung ứng dịch vụ.
Trong năm 2015 Công ty dự kiến đầu tư khoảng 4-5 tỷ đồng nâng tổng kho khai thác lên 11,000 m2 song song với việc sàng lọc lại khách hàng nhằm cải thiện biên lợi nhuận gộp (LNG) cho dịch vụ này. Để tăng năng lực chuyên chở, SFI cũng có kế hoạch đầu tư khoảng 15 tỷ đồng để mua thêm 5-10 xe đầu kéo. Tương tự như HMH, mảng logistics (chiếm ~50% cơ cấu DTT) của SFI sẽ hưởng lợi từ việc giá xăng dầu giảm mạnh (dầu Diesel giảm ~25% từ đầu năm 2014).
Đặc biệt, do thường chở những mặt hàng nhẹ (dệt may, da giày, linh kiện…) nên SFI hầu như không bị ảnh hưởng bởi quy định siết chặt tải trọng. Với giá cước vận chuyển đang ở mức rất cạnh tranh và khó có thể giảm thêm, VDSC kỳ vọng biên LNG cho hoạt động logistics của SFI sẽ có sự cải thiện tích cực trong năm nay.
Nhìn chung, với sự tăng trưởng chung của ngành và nhiều yếu tố thuận lợi khác, triển vọng của SFI cũng như các doanh nghiệp logistics nội địa trong năm 2015 là khá tích cực. Bên cạnh đó, VDSC cũng nhận thấy chiến lược thâm nhập từng bước vào khu vực FDI là một bước đi khá đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của toàn ngành.
Tuy nhiên, xét về cơ sơ vật chất, SFI hiện vẫn là một đối thủ khá nhỏ trong ngành. Nếu có thể năng động hơn trong việc đầu tư mở rộng, SFI mới có thể sẵn sàng về năng lực cung ứng dịch vụ khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại lớn như TPP và các hiệp định FTA.
Theo Người đồng hành