Theo thông tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Vinalines và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã ký thỏa thuận về việc DATC sẽ đứng ra mua lại một số khoản nợ của các ngân hàng thay cho Vinalines. Sau đó, Vinalines sẽ chuyển tiền cho DATC để thanh toán các khoản mua lại nợ này, đồng thời trả cho DATC một khoản phí mà hai bên thỏa thuận do Vinalines không thể trực tiếp đứng ra mua lại nợ của mình.
Theo Báo cáo tổng kết năm 2014 của DATC, sau khi có thỏa thuận này năm 2014, DATC đã đàm phán mua nợ thành công hai khoản nợ của Vinalines tại VCB (tổng giá trị khoảng 381 tỉ đồng) và tại HSBC (khoảng 63 tỉ đồng) với giá trị mua lại rất thấp, xấp xỉ khoảng 30% tổng giá trị các khoản nợ.
Tuy nhiên,sau khi đàm phán xong với 2 trong số 22 tổ chức tín dụng là chủ nợ của Vinalines hiện đang nắm giữ 11.424 tỉ đồng tiền dư nợ trên sổ sách, thì việc đàm phán bế tắc.
Thông tin mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có được thì DATC hiện vẫn đang tiếp tục đàm phán mua nợ của Vinalines tại các ngân hàng Natixis (Pháp), May Bank (Malaysia), Việt Á Bank, Oceanbank, Bangkok Bank với giá trị sổ sách các khoản nợ khoảng gần 2.000 tỉ đồng. Trong số này, khoản nợ tại Natixis là lớn nhất với tổng nợ gốc và lãi khoảng hơn 1.102 tỉ đồng, là giá trị mà ngân hàng Pháp cho Vinalines vay để mua hai con tàu những năm trước.
Vấn đề là quá trình đàm phán nợ đang bị chậm lại vì giá đề nghị mua lại nợ từ DATC là quá thấp. Có khoản nợ chỉ được đề nghị mua với giá 20% giá trị trên sổ sách.
Trong khi đó, Vinalines đang tiếp tục cổ phần hóa các công ty con, nhất là các cảng biển với giá trị phần vốn nhà nước thu về, được để lại Quỹ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ lên đến hàng trăm tỉ đồng. Hơn nữa, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của Vinalines để cổ phần hóa (dự kiến vào quí 1 năm nay) định giá Vinalines cỡ hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Điều đó cho thấy, dòng tiền về Vinalines có nhiều dấu hiệu hồi sinh nên các chủ nợ không thể bán bằng mọi giá như trường hợp của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC).
Trong trường hợp quá trình tái cơ cấu nợ bị chậm lại, thậm chí “giậm chân tại chỗ” thì Vinalines vẫn tiếp tục tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) như kế hoạch vì việc tái cơ cấu nợ và IPO tiến hành song song. Có điều, nếu khoản nợ còn lại càng lớn thì vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp càng nhỏ đi và giá cổ phiếu có thể thấp xuống.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn