|
Sáng 8/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố thông xe toàn bộ 55 km cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến đường giúp kéo giảm ùn tắc và tăng kết nối giữa TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là dự án có số vốn lớn, lên đến 1 tỷ USD với thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại và được Hội đồng nghiệm thu quốc gia đánh giá là tuyến cao tốc có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay.
"Đây là một tuyến đường rất có ý nghĩa cho việc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân cũng như có ý nghĩa trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng cho khu vực, của đất nước", Thủ tướng nói và cho biết tính luôn cả 55 km này thì đến nay Việt Nam đã xây dựng được 580 km đường cao tốc. Đến cuối năm, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đoạn Lào Cai - cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) hoàn thành thì sẽ được 700 km.
Người đứng đầu Chính phủ cũng biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành đơn vị và hai tỉnh, thành liên quan trong việc sớm hoàn thành và đưa dự án vào sử dụng sớm một năm. Ông lưu ý chủ đầu tư là Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục hoàn thiện những công việc còn lại của dự án để đạt được một công trình đồng bộ, hiện đại.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cắt băng khánh thành công trình. Ảnh: Hữu Công. |
"Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội theo hướng hiện đại là khâu đột phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển đất nước vì không có hạ tầng thì không thể phát triển được. Trong đó, 3 trục đường bộ có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của đất nước là quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và yêu cầu trong năm 2015 phải hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Lạng Sơn cho đến Mũi Cà Mau. Đồng thời, hoàn thành, nối thông một số đoạn, tuyến đường quan trọng thuộc giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là đoạn qua Tây Nguyên.
Theo VEC, sau khi toàn tuyến cao tốc này được đưa vào sử dụng, đoạn đường từ TP HCM đi Vũng Tàu chỉ còn 95 km với thời gian khoảng một giờ 20 phút thay vì 120 km và 2 giờ 30 phút như trước. Đồng thời, từ TP HCM đi Ngã ba Dầu Giây (quốc lộ 1 và hướng đi Liên Khương) sẽ chỉ còn 50 km với thời gian một tiếng thay vì 70 km và mất đến 3 giờ do thường xuyên bị ùn tắc.
|
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe toàn tuyến giúp giảm ùn tắc và tăng kết nối TP HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Ảnh: H.P. |
Được khởi công từ năm 2009 với số vốn 20.630 tỷ đồng, dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km đi qua địa phận TP HCM và tỉnh Đồng Nai và được chia thành 2 đoạn. Đoạn đầu từ nút giao An Phú đến Long Thành - Đồng Nai - dài 23,9 km đi qua quận 2, 9 (TP HCM); huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai). Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài 31,1 km đi qua huyện Long Thành; Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Dự án là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Để thực hiện công trình này hơn 437 ha mặt bằng đã được giải phóng và thực hiện đền bù 1.990 hộ dân bị ảnh hưởng, đồng thời phải di dời nhiều công trình công cộng. Dự án phải thi công nhiều hạng mục trên nền địa chất, thủy văn phức tạp với khối lượng lớn gồm 32 cầu (với chiều dài 17,5 km). Đặc biệt cầu Long Thành vượt sông Đồng Nai dài 2,35 km có kết cấu dầm hộp đúc hẫng cân bằng, tĩnh không thông thuyền cao 30,5m thuộc loại lớn nhất tại Việt Nam.
Theo VnExpress
|