Phối hợp thực hiện giám sát
Tại hội nghị, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan-Tổng cục Hải quan đã giới thiệu chi tiết các nội dung liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan và công tác phối hợp giám sát đối với hàng hóa XNK cho các doanh nghiệp.
Giới thiệu về quy định pháp luật đối với công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu cảng biển và sân bay, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, Thông tư 38 quy định cụ thể thủ tục đưa hàng hóa XNK qua khu vực giám sát, hàng hóa vận chuyển độc lập…, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kĩ để thực hiện cho đúng.
Đánh giá về công tác giám sát, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, qua khảo sát thực trạng công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu, đặc biệt là khu vực cảng biển vẫn còn những bất cập, còn có công đoạn chồng chéo trong việc kiểm tra giữa cơ quan khai thác cảng và Hải quan.
Hiện nay, tại TP.HCM có Tân cảng Cát Lái được chia sẻ thông tin giám sát giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp khai thác cảng qua phần mềm TOP X. Ưu điểm là rút ngắn bớt được một số thủ tục về giám sát hàng hàng hóa ra vào cảng đối với hàng hóa XNK; giám sát chặt chẽ, khắc phục được tình trạng sử dụng hồ sơ giả đánh tháo hàng hóa chưa làm thủ tục hải quan ra ngoài khu vực giám sát hải quan.
Tuy nhiên, chương trình cũng còn bộc lộ một số nhược điểm: doanh nghiệp vẫn còn qua nhiều khâu thủ tục, cả hải quan và doanh nghiệp đều kiểm tra vào ban đêm, dễ phát sinh ùn tắc dữ liệu…
Để xử lý những hạn chế trong phối hợp công tác giám sát, Tổng cục Hải quan đã làm việc với một số doanh nghiệp kinh doanh cảng biển lớn để có giải pháp phù hợp, đồng thời chia sẻ thấu đáo các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp.
Giải đáp nhiều vướng mắc
Tại Hội nghị, ban tổ chức đã dành phần lớn thời gian giải đáp các vướng mắc liên quan đến các quy định tại Thông tư 38, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, như: báo cáo xuất, nhập tồn của doanh nghiệp chế xuất; quy trình kiểm tra trước, hoàn thuế sau đối với doanh nghiệp xuất khẩu; kiểm tra chất lượng hàng hóa XNK…
Đại diện một số công ty thủy sản cho biết, doanh nghiệp nhập khẩu thủy hải sản sản xuất xuất khẩu, hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo quy định hiện hành hàng hóa thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian trong việc thực hiện.
Trả lời vướng mắc này, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý Âu Anh Tuấn cho biết, trong Luật Quản lý thuế có văn bản hướng dẫn về kiểm trước, hoàn sau, thủ tục rất đơn giản. Tuy nhiên, cơ quan Hải quan sẽ kiểm tra tại doanh nghiệp, điều này khiến cơ quan Hải quan mất nhiều thời gian và doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra. Ban tổ chức ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để báo cáo lãnh đạo cấp trên xem xét xử lý theo hướng phân loại để thực hiện việc kiểm tra.
Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, đại diện Công ty Á Âu cho biết, việc chờ đợi kết quả kiểm tra chất lượng quá lâu, doanh nghiệp phải chờ từ 15-20 ngày mới có kết quả, tốn kém chi phí lưu container, lưu bãi.
Chia sẻ bức xúc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng- Cục Giám sát quản lý về hải quan cho rằng, cơ quan Hải quan thấu hiểu với cộng đồng DN, tuy nhiên, quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành. Từ thực tế, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ xây dựng đề án kiểm tra chuyên ngành, với phương châm giảm đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro đối với DN, áp dụng cơ chế nhập khẩu hàng từ các quốc gia để công nhận kết quả kiểm tra của các nước xuất khẩu.
Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến việc khai báo đối với những lô hàng vận chuyển khai báo độc lập; những lô hàng nhiều container, nhiều bill, khai báo nhiều tờ khai... của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển đã được Ban tổ chức giải đáp và ghi nhận
Theo báo Hải Quan.