|
Đội tàu biển già cỗi, cơ cấu bất hợp lý đang gây ra những gánh nặng thua lỗ lớn cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong khi đó, trừ các cảng liên doanh đang thua lỗ, các cảng biển còn lại của Vinalines đều có lãi.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, một trong những nội dung quan trọng nhất mà Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco - đơn vị hiện Vinalines nắm 60% vốn điều lệ) sắp phải xin ý kiến cổ đông là phương án bán 2 tàu biển đang sở hữu là Vĩnh Phước trọng tải 12.300 DWT và Tiên Yên trọng tải 7.060 DWT.
Tuy nhiên, ngay cả khi bán được 2 tàu được đóng tại Nhật Bản năm 1988 trên, thì tình hình khai thác đội tàu biển của Vosco gồm 17 tàu, trọng tải 472.212 DWT cũng chưa thể thoát khỏi tính trạng u ám, thua lỗ kéo dài. Trước đó, Vinalines cũng phải bán thanh lý 2 tàu hàng rời có trọng tải trên 21.000 DWT, đóng năm 1990, do tiền khai thác không bù nổi tiền sửa chữa.
Được biết, trong năm 2014, chỉ có đội tàu dầu (2 tàu) là mang lại lợi nhuận cho Vosco - công ty vận tải biển lớn nhất của Vinalines - với số tiền 28 tỷ đồng. Khoản lãi mỏng này không đủ bù cho 2 phần thua lỗ “dập mặt” đến từ đội tàu hàng khô (gồm 15 tàu) lỗ 41,2 tỷ đồng và đội tàu container (2 tàu) lỗ 18,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không chỉ Vosco phải bán tàu để giảm lỗ, thanh thải đội tàu biển để mang lại những khoản doanh thu lớn của cả Vinalines trong năm qua. Ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết, từ cuối 2008 đến nay, giá cước vận tải và cho thuê tàu liên tục ở mức thấp. Cho tới tháng 4/2015, cước giảm xuống mức thấp nhất trong suốt 6 năm, thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng trước đó.
“Giá cước vận tải và cho thuê tàu giảm trên cả 3 thị trường là tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu. Đặc biệt, đối với đội tàu hàng khô, giá cước đang ở mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Nguyên nhân là lượng cầu hàng hóa trên thị trường quá thấp so với lượng cung dư thừa của tàu. Các tàu hàng khô hiện tại có mức thu không đủ bù đắp chi phí khai thác”, ông Sơn phân tích.
Đáng nói hơn, trong cơ cấu đội tàu biển Vinalines, tàu hàng khô chiếm trên 80% tổng trọng tải đội tàu và việc tái cơ cấu nợ đang tiến triển rất chậm. Trong khi đó, tiền đầu tư tàu của Vinalines đều đi vay và đa số đều chưa thể tất toán.
Mặc dù lãi vay ngân hàng đã qua thời điểm đỉnh cao (18%/năm) và hiện chỉ còn 10-11%/năm, nhưng đa số tàu được mua vào giai đoạn 2007-2008 với giá rất cao, khi thị trường đang lên, nên chi phí khấu hao tàu cũng rất lớn. Chẳng hạn, tàu mua 70 triệu USD, thì khấu hao mỗi năm tối thiểu khoảng 7 triệu USD, trong khi doanh thu chỉ tương đương mức khấu hao, đã chất thêm những gánh nặng tài chính cho hãng tàu.
Trong khi đó, trừ các cảng liên doanh đang thua lỗ, chờ Thủ tướng Chính phủ cho rút toàn bộ vốn đầu tư, các cảng biển còn lại của Vinalines đều có lãi, mang lại dòng tiền dương rất quý giá. Đặc biệt, các cảng sau cổ phần hóa có lợi nhuận tăng nhanh từ 1,5 đến 2 lần so với trước. Do đó, Vinalines đề nghị được giữ lại 51% vốn nhà nước tại 3 cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn và giữ từ 36 đến 49% tại một số cảng khác.
Đây chính là lý do tại sao Vinalines phải đề xuất bán tàu, giữ cảng biển. Vinalines được yêu cầu phải duy trì một đội hình tàu tương đối mạnh làm nòng cốt cho vận tải biển của quốc gia, đồng thời phải nhanh chóng cắt lỗ, giải quyết công nợ đầu tư mua tàu trước đây. Trên thực tế, toàn bộ đội tàu của Vinalines đều đang phải đối mặt với tình trạng càng hoạt động càng lỗ.
“Nếu không tái cơ cấu được đội tàu này và phải nhượng hết các cảng đang mang lại dòng tiền dương, thì sẽ đến lúc Vinalines không còn dòng tiền để hoạt động”, lãnh đạo Vinalines phân tích.
Liên quan đến việc bán tàu, Vinalines đã chia làm hai nhóm: nhóm 1 là những tàu trẻ, phù hợp thị trường, hoạt động hiệu quả, có thể tiếp tục hoạt động với tư cách sở hữu của Vinalines; nhóm 2 là những tàu già, cũ, hỏng hóc nhiều, kinh doanh kém hiệu quả sẽ phải bán ngay để cắt lỗ và trả nợ. “Xử lý theo hướng này mới có thể giúp Vinalines thoát khỏi khó khăn về tài chính để tồn tại, trả nốt các nghĩa vụ tài chính còn lại theo cam kết”, ông Sơn cho biết.
Tại cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu quý I/2015 và kế hoạch quý II/2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng yêu cầu Vinalines tập trung rà soát lại hoạt động của đội tàu biển của các doanh nghiệp vận tải biển; xây dựng phương án tái cơ cấu đội tàu theo từng nhóm.
“Bên cạnh các tàu giữ lại, Vinalines phải khẩn trương bán, thanh lý các tàu già, tàu khai thác không hiệu quả, thua lỗ”, ông Thăng chỉ đạo.
Theo stockbiz.vn
|