Để xuất hàng vào thị trường Hàn Quốc thuận lợi: "Thương nhân Việt nên phối hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc".
Đó là nhận định của ông Hongsun, Tổng thư ký Phòng thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam tại hội thảo đánh giá tác động của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc tới doanh nghiệp.
Sự kiện được Phòng thương mại và Công nghiệp VN tổ chức hôm nay 21-5.
Theo ông Hongsun, Hiệp định vừa được hai bên ký kết tháng trước, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc.
Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn của Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Hiện này, Hàn Quốc có hơn 4.200 doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Cùng quan điểm trên, đại diện Bộ Công thương cho rằng việc xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc sẽ thuận lợi hơn, đơn cử thời gian xuất khẩu hàng hóa nhất là hàng nông sản như thanh long, xoài… từ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ được rút ngắn hơn so với mức như lâu nay là 4-5 tháng.
Tuy nhiên, với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế thì việc hàng hóa thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc là rất gian nan. Bởi bản thân người tiêu dùng Hàn Quốc luôn ý thức được việc tiêu dùng hàng nội địa.
Mặt khác, hàng hóa để xuất khẩu được vào Hàn Quốc phải đảm bảo hàng loạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn rất cao như vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa,...
Bà Đào Thu Hương, trưởng phòng hội nhập, Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) nhận định lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực khi thuế suất vào thị trường Hàn Quốc giảm mạnh.
Cụ thể, về thuế xuất khẩu, phía Hàn Quốc mở cửa thêm 500 mặt hàng, nâng tổng số dòng thuế tự do hóa lên 11.600 dòng thuế (chiếm 95,4% tổng Biểu thuế).
Đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, sản phẩm nông nghiệp và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Một số mặt hàng dệt may, quần áo nguyên chiếc xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ được xóa bỏ toàn bộ thuế quan ngay trong năm đầu tiên thực hiện Hiệp định.
Các sản phẩm dệt may, giầy dép xuất khẩu sang Hàn Quốc của Việt Nam cũng được xóa bỏ ngay từ 10-13% xuống còn 0% vào năm 2016. Riêng với mặt hàng tôm, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% đối với 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm.
Các mặt hàng tiêu dùng (mỹ phẩm), đồ điện gia dụng (máy lạnh, tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng...) cũng sẽ được cắt giảm thuế quan với lộ trình từ 7 đến 10 năm.
Đặc biệt, Việt Nam là đối tác thương mại đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế những sản phẩm hết sức nhạy cảm như hoa quả tươi, chế biến (thuế suất khoảng 30% đến 50%); tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, đỗ đỏ... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241% đến 420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc).
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cam kết cắt giảm các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện, dòng xe tải từ 10-20 tấn và xe con từ 3.000cc trở lên...
Cũng theo Bộ Tài chính, quan hệ song phương tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng gần 60 lần từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên gần 29 tỷ USD vào năm 2014. Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.
Theo Tuổi Trẻ Online