Sông Sài Gòn mang trên mình hệ thống cảng tính đến nay đã trên 150 tuổi nằm dọc hai bờ. Di dời hệ thống cảng ra xa khu vực trung tâm thành phố, không chỉ góp phần kéo giảm sự ùn tắc giao thông tại các khu vực cửa ngõ thành phố đang quá tải, mà còn để lại cho thành phố một diện tích “đất vàng” rộng 123ha nằm ven bờ Tây sông Sài Gòn, tương lai sẽ trở thành những khu đô thị, thương mại, công viên tuyệt đẹp.
Nhiều năm trước, kế hoạch di dời hệ thống các cảng biển thành phố ra khỏi khu vực trung tâm đã được tính đến với các cảng: Tân Cảng, Sài Gòn, Khánh Hội, Tân Thuận Đông, cảng Rau Quả…
Theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2010, song đến nay mới chỉ có Tân Cảng, Sài Gòn đã di dời đến Cát Lái, còn những cảng khác vẫn đang trong quá trình di dời. Các dự án đã từng được nâng lên, đặt xuống nhiều lần nhưng do thiếu vốn đầu tư mọi thứ lại quay trở về điểm xuất phát.
|
Năm 2015, Dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cần thêm 850 tỷ đồng để hoàn tất xây dựng giai đoạn 1.
|
Trong khi đó, tình trạng kẹt xe, ùn ứ từng đoàn xe tải nối nhau ra vào các cảng lấy hàng trên các tuyến đường vành đai quan trọng, tại cửa ngõ phía Đông thành phố càng ngày trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù các cơ quan CSGT, Thanh tra giao thông đã nỗ lực hết sức mình vẫn chưa thể giải quyết căn cơ trình trạng kẹt xe thường xuyên, kéo dài như hiện nay trên các đường ra vào các cảng.
Theo quy hoạch về di dời cảng biển trên sông Sài Gòn và Nhà máy Ba Son ra khỏi nội thành, các cảng biển sẽ di dời ra hai khu vực là Cát Lái (quận 2) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Cảng biển đã di dời thành công và đang phát triển tốt ở nơi xây dựng mới là Tân Cảng Cát Lái. Sở GTVT TP cho biết, trung bình mỗi ngày có đến 12.000 container lưu thông trên Liên tỉnh lộ 25 đi vào Tân Cảng Cát Lái. Hiện Tân Cảng Cát Lái là cảng có khối lượng container được bốc xếp lớn nhất Việt Nam chiếm đến khoảng 50% lượng container ra vào trên toàn bộ hệ thống cảng biển toàn quốc.
|
Nạn kẹt xe diễn ra hằng ngày tại khu vực cửa ngõ thành phố. |
Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn báo cáo về tiến độ di dời cảng Sài Gòn cho biết, từ tháng 1/2014 đã thành lập pháp nhân thực hiện dự án chuyển đổi công năng, Cảng Sài Gòn sẽ phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, được hoàn tất trong quý I/2016.
Theo thỏa thuận, Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông sẽ tạm ứng vốn để xây dựng hoàn thiện Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đường D3 nối kết và các chi phí khác phục vụ di dời cảng Sài Gòn. Năm 2015, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cần thêm 850 tỷ đồng để hoàn tất xây dựng giai đoạn 1, đáp ứng năng lực di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Cảng Sài Gòn có 5 chi nhánh và 3 công ty hoạt động trong khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội phải di dời trụ sở làm việc, địa điểm sản xuất ra Hiệp Phước cùng với số lao động đang làm việc tại các đơn vị là 1.458 người.
Việc di dời cảng Sài Gòn ra Hiệp Phước (Nhà Bè), do Công ty CP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước làm chủ đầu tư, đã hoàn thành 28% khối lượng dự án, nhưng buộc phải ngưng thi công toàn bộ các hạng mục công trình vì không thu xếp được vốn đầu tư. Cùng lúc này, việc di dời nhà máy đóng tàu Ba Son thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son (Bộ Quốc phòng) về Cái Mép - Thị Vải, cũng đã vướng mắc một số khó khăn nên Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn di dời. Cảng Tân Thuận Đông và cảng Rau Quả (Q7) cũng xin lùi thời hạn di dời đến 2020. Và như vậy, hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến hoạt động của các cảng vẫn chưa tháo gỡ được.
|
Cảng Tân Cảng Cát Lái. |
Trong lúc hệ thống các cảng nội thành chưa được di dời thì tình hình quá tải trên các tuyến giao thông ra vào cảng liên tiếp ùn tắc nghiêm trọng. Tiêu biểu như đường Nguyễn Tất Thành (Q4), trục giao thông huyết mạch nối kết các cảng biển nằm sâu trong nội thành ra khu vực ngoại thành và các tỉnh luôn trong tình trạng quá tải. Các dòng xe tải, xe container, đầu kéo… lúc nào cũng rầm rập ra vào cảng Sài Gòn - Khánh Hội, Tân Thuận Đông, Rau Quả…
Quyết định di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành là một quyết định mang tầm nhìn chiến lược, đồng thời giải quyết được hai vấn đề nan giải hiện nay: hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn dời ra vùng đất mới sẽ có điều kiện phát triển, mở rộng hơn nữa và tích cực góp phần làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông, không đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Mặt khác, khi di dời các cảng biển ra khỏi nội thành, phần đất vàng tại các cảng sẽ là những khu đô thị, thương mại hiện đại cho tương lai gần.
Theo quy hoạch cụm cảng biển số 5 của cả vùng sẽ bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai.
Các cảng biển còn phát triển kinh tế theo hướng liên kết, liên doanh với các tập đoàn lớn trên thế giới như: Tập đoàn cảng biển PSA (Singapore) liên doanh với cảng Sài Gòn, Vinalines xây dựng cảng biển quốc tế SP-PSA gồm 4 bến, 1.200m cầu cảng, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 50.000 đến 80.000 tấn. Tập đoàn Maersk của Đan Mạch cũng liên doanh cảng Sài Gòn và Vinalines xây dựng cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) có 2 bến, dài 600m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 80.000 tấn. Công suất thông qua của cảng đạt 1,1 triệu TEU/năm. Tập đoàn SSA của Hoa Kỳ cũng liên doanh với cảng Sài Gòn và Vinalines xây dựng 2 bến tàu dài 600m để đón tàu đến 80.000 tấn…
Hiện nay, tại Hiệp Phước không chỉ có cảng Sài Gòn mà còn có Tập đoàn Dubai World, tập đoàn cảng biển lớn thứ 2 trên thế giới đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng cảng ở Hiệp Phước. |
Theo CAND Online
|