Gỡ vướng hồ sơ
Theo quy định tại Luật Hải quan và Thông tư 38/2015/TT-BTC, hồ sơ hải quan đối với hàng NK thuộc diện kiểm tra chuyên ngành không có giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành. Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, trong thực tế, đối với những mặt hàng NK thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, trường hợp hàng đưa về địa điểm khác (ngoài cửa khẩu) để kiểm tra theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc DN có yêu cầu mang hàng về bảo quản, nếu không nộp giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành sẽ gây không ít khó khăn cho cơ quan Hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành, vì các lý do như sau:
DN có thể lợi dụng để trốn tránh kiểm tra chuyên ngành. Nếu kết quả kiểm tra lần đầu tại cơ quan chuyên ngành không đạt, DN có thể đăng kí kiểm tra ở cơ quan kiểm tra chuyên ngành khác. Cơ quan Hải quan không biết được cơ quan kiểm tra chuyên ngành nào để liên hệ, trao đổi, truy cập thông tin khi DN không thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra chuyên ngành vì không biết DN đăng kí kiểm tra chuyên ngành tại cơ quan kiểm tra chuyên ngành nào.
Các thông tin thể hiện trên Giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành là kênh thông tin quan trọng giúp chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu xem xét giải quyết cho DN mang hàng về bảo quản theo thẩm quyền quy định tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Đối với những trường hợp đưa về địa điểm khác (ngoài cửa khẩu và không phải kho của DN) để kiểm tra theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhưng DN lại có công văn đề nghị được đem hàng về kho để bảo quản, cơ quan Hải quan sẽ không có thông tin để giải quyết đối với trường hợp này.
Qua trao đổi với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, quy trình thủ tục kiểm tra chuyên ngành được các bộ, ngành quản lý ban hành kèm theo các thông tư hướng dẫn, trong bộ hồ sơ bắt buộc phải có Giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành để làm căn cứ cho việc kiểm tra, thu phí…
Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, đối với những mặt hàng NK thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành, trường hợp đưa hàng về địa điển khác (ngoài cửa khẩu) để kiểm tra theo đề nghị của cơ quan kiểm tra chuyên ngành hoặc DN có yêu cầu mang hàng về bảo quản thì trong bộ hồ sơ đề nghị của DN phải xuất trình, hoặc nộp Giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành vì việc này tạo thuận lợi rất lớn cho việc kiểm tra, phối hợp giữa cơ quan Hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành, không phát sinh thêm thủ tục mới, chi phí cũng như thời gian của DN.
Xử lý vi phạm thế nào?
Đối với xử lý chậm nộp kết quả kiểm tra và vi phạm đưa hàng về bảo quản, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, trước ngày 1-4-2015, việc xử lý chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2845/TCHQ-GSQL ngày 27-5-2013 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, hàng tháng, Cục Hải quan TP.HCM lập danh sách DN vi phạm quy định mang hàng về bảo quản. Trong đó, phụ lục I gồm danh sách DN không được cho mang hàng về bảo quản vì vi phạm chính sách quản lý hải quan đối với hàng hóa đã được cho mang về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành (quá thời hạn 30 ngày, DN chưa nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành); Phụ lục II gồm danh sách DN đã bổ sung kết quả kiểm tra chuyên ngành, bị xử phạt vi phạm hành chính sau ngày 27-5-2013, không được cho mang hàng về bảo quản, thời hạn 1 năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Kể từ ngày 1-4-2015, việc xử lý chậm nộp kết quả kiểm tra và vi phạm đưa hàng về bảo quản căn cứ vào điểm c khoản 6 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Theo đó, trường hợp thứ nhất, người khai hải quan sẽ không được đưa hàng về bảo quản trong thời hạn là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt về hành vi tự ý phá dỡ niêm phong; tráo đổi hàng hóa, tự ý đưa hàng hóa ra lưu thông, sử dụng; bảo quản hàng hóa không đúng địa điểm đã đăng kí với cơ quan Hải quan. Đối với trường hợp thứ 2, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm bị lập biên bản nếu vi phạm quy định về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Quy định 2 trường hợp nêu trên được áp dụng đối với các hành vi vi phạm bị xử phạt kể từ ngày thông tư này có hiệu lực. Như vậy, đối với những trường hợp DN không được đưa hàng về bảo quản mà Cục Hải quan TP.HCM lập danh sách hàng tháng báo cáo theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan thì thực hiện như thế nào, có áp dụng hay không.
Để giải quyết vướng mắc nêu trên, Cục Hải quan TP.HCM, đề xuất: đối với các DN không được mang hàng về bảo quản, đối với danh sách DN tại phụ lục I: vẫn tiếp tục áp dụng cho đến khi DN nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành, tùy theo hành vi vi phạm mà có biện pháp xử lý tiếp theo quy định. Đối với danh sách phụ lục II, căn cứ vào hành vi vi phạm được quy định điểm c khoản 6 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC, phân tách ra thành 2 danh sách không được mang hàng về bảo quản trong thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm kể từ ngày ra quyết định xử phạt./.
Theo báo Hải Quan.