Quan điểm của ông như thế nào về những điểm còn tồn tại của nền kinh tế, tính đến thời điểm này?
Bên cạnh những điểm sáng như kinh tế đã dần ổn định, các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, tín dụng, thu ngân sách đạt khá…, nền kinh tế cũng đang đối mặt với một số khó khăn. Có những khó khăn tồn tại đã lâu cần tập trung giải quyết như chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng. Và cũng có vấn đề cần lưu ý qua những tháng đầu năm là tăng trưởng XK 5 tháng đầu năm là thấp.
Nếu như năm 2014 cán cân thương mại quốc tế thặng dư, xuất siêu đến 2,1 tỷ USD, thì cũng trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch nhập siêu đã lớn hơn toàn bộ kim ngạch xuất siêu của 2014. Tình hình này nếu không được khắc phục, XK không được đẩy mạnh và NK cũng không được kiểm soát một cách phù hợp, chặt chẽ, nguy cơ thâm hụt cán cân thương mại sẽ hiện hữu.
Ngoài ra, qua theo dõi thường xuyên, tôi thấy tổng phương tiện thanh toán M2 của NHNN đưa ra thị trường mỗi năm tăng từ 14-15 %, tốc độ tăng trưởng tín dụng những năm vừa qua tăng chậm, dao động xung quanh 14%. Do đó khi thị trường tín dụng phục hồi, áp lực lạm phát trong tương lai cũng cần có giải pháp để sẵn sàng đối phó.
Như ông vừa phân tích, dường như sự phát triển của nền kinh tế là chưa bền vững?
Lực cản lớn nhất trong chất lượng của nền kinh tế là hiệu quả sản xuất kinh doanh ở các khu vực đều hạn chế, năng suất lao động thấp, có thể nói là thấp nhất so với các nước trong khu vực, sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước, ngoài một số mặt hàng có lợi thế nhưng cũng có mặt hàng sức cạnh tranh kém.
Tới đây chúng ta ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Điều này sẽ mở ra vận hội mới cho phát triển XK nhiều ngành hàng, nhưng bên cạnh đó nhiều ngành cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Ví dụ như lĩnh vực thực phẩm, khi mở cửa thị trường, thịt bò, thịt gia cầm sẽ khó cạnh tranh được với thực phẩm cùng loại trên thế giới. Hoặc sắt thép cũng sẽ là mặt hàng gặp phải nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các nước. Như vậy, vấn đề về sức cạnh tranh của một số mặt hàng cần phải có giải pháp ngay từ bây giờ.
Trong những dấu hiệu khả quan của nền kinh tế những tháng đầu năm, có một điểm đáng chú ý là CPI 5 tháng tăng thấp, chưa đến 1%. Trong khi đó, lạm phát cả năm được Quốc hội đề ra là kiểm soát ở mức khoảng 5%. Theo ông, chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện theo định hướng của Quốc hội hay có cần xem xét, cân nhắc, điều chỉnh?
Cuối năm 2014, Quốc hội đã cân nhắc nhiều về chỉ số lạm phát của năm 2014. Trong điều kiện ngân sách của chúng ta hết sức hạn chế vì phải kiềm chế bội chi, giữ nợ công ở mức cho phép, Quốc hội đã cân nhắc cho phép điều hành chính sách tiền tệ giữ ở mức CPI khoảng 5% để bổ sung nguồn cho đầu tư phát triển. Nhưng với tình trạng như hiện nay, tôi cho là từ giờ đến cuối năm diễn biến CPI chắc sẽ thấp dưới 5%.
Điều này có tính chất 2 mặt. Về mặt thúc đẩy sản xuất phát triển, với chính sách tiền tệ của chúng ta, CPI chỉ khoảng 2-3% sẽ là khó khăn hơn cho sản xuất kinh doanh, cho thị trường, vì vậy sẽ khó khăn hơn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhưng đứng ở góc độ đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của người hưởng lương, việc kiềm chế lạm phát trong điều kiện chính sách tiền lương phải giãn ra chưa thực hiện được theo lộ trình, sẽ tác động có lợi đến đời sống người dân nói chung, những người hưởng lương nói riêng.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo Hải Quan