Theo Bộ Tài chính, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác theo loại hình nhập kinh doanh sau đó làm thủ tục xuất khẩu qua cửa khẩu phụ không theo loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất nhằm tránh chính sách quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ, lối mở.
Để đảm bảo thống nhất quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở và chính sách quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất, Bộ Tài chính đề nghị cần quy định riêng một Điều về hàng hóa có nguồn gốc từ nước thứ ba khi xuất khẩu qua cửa khẩu phụ phải được quản lý tương tự như hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Cụ thể, giao cho UBND tỉnh biên giới công bố danh sách doanh nghiệp được xuất nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ nước thứ ba qua cửa khẩu phụ, lối mở với các điều kiện cụ thể và thông báo cho Bộ Công Thương để theo dõi.
Về định mức miễn thuế đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, Bộ Tài chính cũng đề nghị giữ nguyên định mức miễn thuế hiện hành với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày, nhưng bổ sung thêm quy định không quá 4 lượt/tháng.
Đối với hàng hóa trong định mức nhưng cư dân biên giới không sử dụng cho đời sống và sản xuất của gia đình mình mà bán nhượng lại thì phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn các thủ tục: Miễn thuế đối với hàng hóa mua về Việt Nam dưới hình thức mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; thủ tục thu thuế đối với phần trị giá hàng hóa vượt định mức quy định; hướng dẫn thủ tục thu thuế đối với phần hàng hóa mà cư dân biên giới không sử dụng trực tiếp cho đời sống và sản xuất mà bán lại, nhượng lại.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải quy định rõ hoạt động thương mại biên giới với hoạt động thương mại thông thường. Do hiện nay hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan biên giới đã được đa dạng hóa theo cơ chế quản lý linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan cũng được xuất nhập qua cửa khẩu phụ…
Theo báo Hải Quan.