|
Hệ thống CNTT giữa Cục Hải quan Hải Phòng và Công ty CP Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng) vừa được kết nối thành công, sẵn sàng thực hiện chức năng phối hợp giám sát ở cảng biển theo quy định mới của Luật Hải quan 2014.
Sáng 27-7, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Quốc Chính- Trưởng Trung tâm dữ liệu và Công nghệ thông tin (Cục Hải quan Hải Phòng) cho biết, với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị vừa kết nối thành công hệ thống CNTT với Công ty CP Nam Hải Đình Vũ- doanh nghiệp quản lý, kinh doanh cảng Nam Hải Đình Vũ.
|
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Đức Thành- Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê Hải quan cho biết: Dự kiến, sau khi thực hiện thành công ở Cục Hải quan Hải Phòng, việc phối hợp giữa Hải quan và doanh nghiệp cảng sẽ được triển khai tại Cục Hải quan TP.HCM. Khi hoàn tất triển khai ở 2 đơn vị có lưu lượng hàng hóa XNK lớn nhất cả nước này, cơ chế phối hợp giữa Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng sẽ được mở rộng ra phạm vi cả nước. |
|
Theo ông Trần Quốc Chính, việc kết nối đáp ứng được cầu quản lý cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng. Trong đó, hệ thống CNTT của cơ quan Hải quan sẽ có thêm các tiện ích mới như: Theo dõi thông tin danh sách container tồn, hạ bãi; danh sách container đã mở tờ khai; danh sách container đủ điều kiện qua khu vực giám sát…
Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, hệ thống CNTT sẽ được truy vấn để kiểm tra chính xác thông tin về container được phép ra hay không được ra khỏi cảng; tra cứu thông tin ngày, giờ container ra khỏi cảng; gửi danh sách container hàng tồn và danh sách container phát sinh cho cơ quan Hải quan…
“Với việc kết nối thành công vừa qua, hệ thống CNTT đã sẵn sàng và khi Tổng cục Hải quan ban hành quy trình, Hải quan Hải Phòng sẽ bắt tay vào thực hiện cơ chế phối hợp giám sát với doanh nghiệp kinh doanh cảng”- Ông Trần Quốc Chính cho biết thêm.
Việc phối hợp giám sát giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng là một trong những nội dung mới quan trọng của Luật Hải quan 2014 và Hải quan Hải Phòng là đơn vị được Tổng cục Hải quan lựa chọn để triển khai thí điểm đầu tiên trong toàn Ngành.
Theo phân tích của Cục Hải quan Hải Phòng, việc thực hiện thành công kết nối CNTT giữa Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng phục vụ công tác phối hợp giám sát sẽ tạo thêm cú hích trong cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động XNK.
Bởi việc phối hợp giám sát (thông qua hệ thống CNTT) giúp cho cơ quan Hải quan kịp thời nắm bắt thời điểm lô hàng hay container ra vào cảng, số lượng hàng, container tồn trong cảng đối với từng con tàu, những lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan hay vị trí cụ thể của từng container… từ đó đưa ra các quyết định xử lý phù hợp. Trong khi đó DN cảng sẽ có thông tin về tình trạng cấp phép thông quan (từ cơ quan Hải quan) đối với từng lô hàng, từng container để cho hàng ra vào cảng theo đúng quy định của pháp luật…
Theo ông Trần Quốc Chính, sau khi có quy trình của Tổng cục Hải quan và việc triển khai tại cảng Nam Hải Đình Vũ được thực hiện hiệu quả, Hải quan Hải Phòng sẽ mở rộng hình thức phối hợp này ra các khu vực cảng khác trên địa bàn.
Được biết, hiện cụm cảng Hải Phòng- cửa ngõ giao thương lớn nhất khu vực miền Bắc trải dài trên 20 km, với nhiều khu bến cảng chính như: Cảng Vật Cách; khu cảng chính (hay còn gọi là Bến Hoàng Diệu hay trước gọi là Bến Sáu kho) trên sông Cấm; khu bến cảng Chùa Vẽ; tân Cảng Hải Phòng… và hơn 20 bến cảng khác với các chức năng chuyên dùng như vận tải chất hóa lỏng (xăng, dầu, khí đốt), bến cảng đóng tàu, bến cho tàu vận tải đường sông nhỏ có trọng tải 1-2 tấn, các cảng này do nhiều công ty khác nhau quản lý và khai thác.
Điều 41 (Luật Hải quan 2014) quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi trong hoạt động giám sát hải quan, như sau:
1. Bố trí địa điểm để lắp đặt phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ giám sát hải quan theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
2. Kết nối hệ thống thông tin quản lý hàng hóa của doanh nghiệp với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan để quản lý hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi.
3. Thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ, sổ sách, số liệu hàng hóa đưa vào lưu giữ, đưa ra khỏi khu vực cảng, kho, bãi theo quy định của pháp luật và xuất trình, cung cấp cho cơ quan hải quan khi có yêu cầu.
4. Cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan hải quan trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa ra, vào, lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi.
5. Bảo quản, sắp xếp, lưu giữ nguyên trạng hàng hóa trong khu vực cảng, kho, bãi theo yêu cầu giám sát, quản lý của cơ quan hải quan.
6. Chỉ cho phép vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực cảng, kho, bãi khi có chứng từ của cơ quan hải quan.
7. Thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xử lý hàng hóa vi phạm. |
Theo báo Hải Quan.
|