|
“Qua nghiên cứu thực địa và thông tin sẵn có về hải quan, kỹ thuật vận tải, chính sách, thị trường, ý tưởng xây dựng cảng cạn nội địa (ICD) cửa khẩu Mộc Bài đã được hình thành”.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Đăng Toàn, đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tại hội thảo “Hiện trạng dịch vụ vận tải qua biên giới trên hành lang kinh tế phía Nam” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hôm 28/8 tại TP.HCM, với sự tham dự của gần 50 doanh nghiệp trong ngành logistics.
Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) hiện thường xuyên ùn tắc, nguyên nhân do lượng hàng tăng nhanh và thủ tục kiểm hóa còn mất thời gian. "Về phía Campuchia, hiện có 9 khu công nghiệp gần biên giới với Mộc Bài…, nên ICD là rất cần thiết, nhằm cung cấp đầy đủ thủ tục một cửa, một chiều, tránh ùn tắc tại cửa khẩu. ICD sẽ giúp khu vực này trở nên năng động hơn, mang lại nhiều nguồn hàng cho cảng Cái Mép và Tân Cảng”, ông Toàn cho biết.
Ông Trần Ngọc Sơn, đại diện Tân Cảng Cypress tán thành: “ICD sẽ giúp giải quyết hiện tượng ùn tắc. Tân Cảng cẩn sớm thực hiện dự án này”.
Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Vụ phó Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của doanh nghiệp: “Tôi hết sức đồng thuận với kiến nghị xây dựng ICD của Tân Cảng, vì rất thuận lợi cho Việt Nam”.
Cũng theo ông Bằng, thủ tục hải quan về phía Việt Nam đã đơn giản hóa rất nhiều, còn lại là phía Campuchia. Hiện nhiều doanh nghiệp phải tốn chi phí lớn do thủ tục bên bạn còn phức tạp, chưa kể chi phí “mờ” khiến đội giá nhiều.
“Riêng cảnh sát giao thông họ lập trạm đầy hết, tài xế mình đâu biết gì, xuống là chung chi thôi. Việc lưu thông sâu vào Campuchia chưa thực sự thuận lợi”, ông nói. “Chúng tôi sẽ làm việc với cảnh sát Campuchia, khảo sát thực tế từ cửa khẩu An Giang qua Campuchia, có kiến nghị cụ thể với nước bạn”.
Vụ phó Vụ Vận tải cũng khuyến cáo, khi kinh doanh ở nước bạn, các doanh nghiệp logistics Việt Nam ngoài sự hiểu biết về luật pháp, cần tìm hiểu đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, thậm chí chi phí “mờ”, để đưa vào giá thành.
“Để giải quyết tận gốc chi phí “mờ”, ngoài chính sách của hai Nhà nước, một phần do doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh, anh nào cũng muốn nhanh hơn, sẵn sàng chi, tạo cạnh tranh không lành mạnh. Toàn anh em mình cả, ai cũng mong hàng đi nhanh mới dẫn đến việc… đi cửa sau”, ông thẳng thắn.
Theo Bizlive
|