Dù có hơn 1,1 triệu TEU sản lượng container thông qua mỗi năm, cụm cảng tại Cái Mép – Thị Vải vẫn trong tình trạng “đói hàng”.
Xét về mặt lợi ích kinh tế, muốn giảm chi phí logistics thì giá thành vận tải biển, vận tải nội vùng phải thấp, phải tìm cách đưa tàu lớn vào Việt Nam và phải dùng cảng nước sâu. Hiện nay, hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều tuyến xa đều phải đi đường vòng. Hàng hóa xếp xuống tàu feeder, tàu nội Á tại cảng Cát Lái, các cảng feeder quanh nội ô TP HCM và chở hàng tới các cảng trung chuyển tại Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Port Kelang, Kaosung rồi dỡ ra đưa lên cảng. Đợi khi tàu mẹ tới thì mới xếp xuống tàu một lần nữa rồi mới chở tới cảng đích. Toàn bộ quá trình này DN phải tốn thêm 200USD/container và 3 ngày tàu nếu so với việc trực tiếp xếp hàng lên tàu mẹ tại Việt Nam. “Sự đi lòng vòng này gây tổn thất cho nền kinh tế” – ông Nhữ Đình Thiện – Tổng thư ký Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam khẳng định.
Theo tính toán của ông Nhữ Đình Thiện, nếu hàng hóa xuất nhập khẩu được xếp dỡ tại cảng nước sâu tại Việt Nam, không phải chuyển tải tại các cảng nước ngoài lân cận, với chi phí tiết kiệm bình quân 200 USD/container và cắt ngắn được 3 ngày hành trình, hàng năm GDP sẽ tăng được trên 2,25 tỷ USD. Chi phí này bao gồm: 250 triệu USD tiền cảng phí, phí xếp dỡ; 1 tỷ USD chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam tới các cảng chuyển tải; 1 tỷ USD do cắt giảm cước phí vận chuyển của các nhà xuất nhập khẩu khi xếp hàng tại Cái Mép thay vì trung chuyển tại các nước trong khu vực.
Tuy nhiên mức thu phí và lệ phí hàng hải tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải vẫn còn rất cao so với các cảng trong khu vực như Singapore, Hồng Kông, Tanjung Pelepas,… khi mà các cảng lớn này đang áp dụng các chính sách về phí, lệ phí hàng hải rất ưu đãi. Đây là một trong những băn khoăn lớn của các hãng tàu về mặt chi phí khi lựa chọn cảng làm hàng cho các loại tàu, đặc biệt là tàu mẹ tuyến xa ghé cảng Cái Mép – Thị Vải. Vì vậy, việc sớm ban hành chính sách ưu đãi mới về phí, lệ phí hàng hải nhằm thu hút các hãng tàu đưa tàu vào cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (cả tàu mẹ và tàu feeder chặng nối có kích cỡ nhỏ) sẽ góp phần thúc đẩy nhanh mục tiêu phát triển cụm cảng Cái Mép – Thị Vải thành trung tâm trung chuyển quốc tế như quy hoạch đã được duyệt.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.
|