Năm nay, trong khi các mặt hàng cà phê, gạo có giá trị xuất khẩu giảm thì hạt điều lại có thêm một năm ăn nên làm ra và dự báo sẽ mang về 2,5 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ gần bằng giá trị thu về từ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, cho dù phải bỏ ra gần 1 tỉ đô la Mỹ nhập thêm điều thô về chế biến.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 tháng đầu năm 2015, lượng điều nhân xuất khẩu của Việt Nam đạt 272.000 tấn, giá trị thu về là 1,97 tỉ đô la Mỹ, tăng 6% về lượng nhưng lại tăng hơn 18% về giá trị.
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, nhiều khả năng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ ở mức 2,5 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.
Một trong những lý do để ngành điều có giá trị xuất khẩu tăng nhờ giá bán điều nhân tăng; cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, giá điều nhân xuất khẩu bình quân là 7.263 đô la Mỹ/tấn, tăng gần 12% so với cùng kỳ.
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 2,2 tỉ đô la Mỹ, gồm điều nhân là 2 tỉ đô la Mỹ, tương đương 306.000 tấn, còn 200 triệu đô la là từ dầu vỏ hạt điều. Giá bán trung bình trong 11 tháng của năm 2014 là 6.553 đô la Mỹ/tấn. Như vậy, có thể thấy, giá điều nhân năm nay cao hơn năm trước, và lượng tiêu thụ điều nhân tăng lên sau mỗi năm.
Tuy nhiên, để có lượng điều nhân xuất khẩu tăng, Việt Nam cũng phải nhập khẩu một lượng lớn điều thô về tách vỏ và xuất khẩu trở lại. Cụ thể, trong 10 tháng qua, lượng điều thô nhập về là 780.000 tấn, giá trị hơn 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 54,5% về khối lượng và gần 86% về giá so với cùng kỳ.
Theo ông Giang, trong số 272.000 tấn điều nhân xuất khẩu của 10 tháng qua, có khoảng hơn 90% là điều nhân đóng bao, còn sản phẩm giá trị gia tăng - vốn có bán giá cao hơn - chỉ chiếm chưa đến 10%.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online