Từ 1/1/2016, Maroc áp dụng phương thức "Quyết định trước" là thông tin được Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho biết để khuyến cáo doanh nghiệp xuất/nhập khẩu vào thị trường nước này nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại cảng, xác định chính xác các khoản chi phí trong khi xây dựng phương án kinh doanh.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc, thời gian qua nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi làm ăn với các đối tác của Maroc. Nhiều lô hàng đến cảng, Hải quan Maroc đã áp mức thuế suất và giá trị tính thuế quá cao nên các công ty nhập khẩu, mặc dù đã đặt cọc 20% trị giá hợp đồng vẫn bỏ hàng, gây khó khăn trong việc xử lý khi hàng đã vào cảng.
Chính vì vậy, khi “Quyết định trước” này có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất/nhập khẩu có thể đề nghị hải quan xác định trước hàng xuất/nhập khẩu của họ được áp mã HS nào, mức thuế suất là bao nhiêu, cách xác định xuất xứ và giá trị tính thuế như thế nào.
Thông tin tham vấn này là cam kết pháp lý của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp trong một giai đoạn nhất định. Phương thức này giúp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức hút đối với các công ty muốn kinh doanh tại/với thị trường Maroc; giúp doanh nghiệp dự trù trước được các khoản chi phí; giảm thời gian lưu hàng tại cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, giảm đáng kể các khoản chi phí không cần thiết.
Không những thế, doanh nghiệp nhập khẩu bất kỳ một loại vật tư thiết bị hay nguyên liệu nào, các doanh nghiệp đã dự liệu được phương pháp mà hải quan sẽ sử dụng để tính giá trị lô hàng, tránh được các bất ngờ ảnh hưởng tiêu cực đến phương án kinh doanh của họ.
Các quyết định trước này có giá trị 5 năm đối với việc áp mã thuế HS, 3 năm đối với việc xác định nguồn gốc xuất xứ và 1 năm đối với việc xác định giá trị tính thuế. Thủ tục và hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp sẽ được quy định cụ thể trong các thông tư hướng dẫn của Hải quan Maroc.
Thương vụ Việt Nam tại Maroc cho biết thêm, Luật Tài chính 2016 của Maroc quy định trong vòng 150 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Hải quan Maroc phải trả lời cho các doanh nghiệp biết ý kiến chính thức của mình.
Tuy nhiên, bất cứ một thay đổi nào trong hồ sơ tài liệu dựa trên đó Hải quan ra "Quyết định trước" có thể sẽ dẫn đến việc quyết định này bị hủy.
Theo VietNam+
|