|
Thị phần vận tải đường bộ giảm mạnh là kết quả rõ nhất khi tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải.
Tỷ lệ thị phần vận tải đường bộ đã giảm từ 76% xuống còn 65% là kết quả rõ nhất của những nỗ lực tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải. Hàng hóa đã và đang chuyển dần từ đường bộ sang các loại hình vận tải khác để đảm bảo hợp lý hơn.
Chi phí logistics vẫn ở mức cao
Tại cuộc họp tái cơ cấu vận tải mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu, Bộ đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, được xã hội đánh giá cao. Chẳng hạn như đường sắt đã thực hiện cổ phần hóa, huy động mọi nguồn lực kinh tế tham gia để thay đổi vận tải đường sắt. Đường bộ đã thực hiện cải cách hành chính, áp dụng nhiều công nghệ, mở chiến dịch kiểm soát tải trọng xe. Đường thủy đã sắp xếp mô hình hoạt động. Hàng không có thay đổi cơ bản, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, an ninh.
"Thời gian tới, các lĩnh vực vận tải cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT như: lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện thuỷ. Đặc biệt tất cả 5 lĩnh vực vận tải cần bắt tay ngay vào việc thành lập các sàn giao dịch vận tải. Đây là công cụ tốt để kết nối chủ hàng với người vận chuyển cũng như các phương thức vận tải với nhau. Bên cạnh đó cần cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục không cần thiết. Chi phí vận tải của Việt Nam đang thuộc diện cao nhất thế giới nên cần mạnh dạn cải cách các thủ tục để góp phần kéo giảm chi phí”.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ |
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng chi phí logistics tại Việt Nam đã giảm nhưng còn ở mức 19 - 20% GDP. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ cho rằng, tỷ trọng chi phí này so với trước đây (20,9% GDP) đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với khu vực và thế giới. Thời gian qua, lĩnh vực hàng hải đã thực hiện tuyến vận tải ven biển mang lại hiệu quả rất tốt. Hiện đã thực hiện chuyên chở được 6 triệu tấn hàng hoá.
“Thử hỏi nếu cả 6 triệu tấn hàng này vẫn đi bằng đường bộ, nó tác động đến xã hội như thế nào. Đấy là vấn đề ATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu đường, ùn tắc giao thông…”, Thứ trưởng Thọ nói.
Về lợi ích của việc mở tuyến vận tải ven biển, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) chia sẻ, nếu không có tuyến vận tải ven biển đi vào hoạt động 1 năm qua, sẽ có khoảng 200 nghìn lượt xe loại 30 tấn đi theo đường bộ. Nếu chỉ 10% lượng xe đó vượt quá tải trọng, sẽ phá huỷ kết cấu hạ tầng rất lớn. Cùng đó, theo ông Ngọc, với lĩnh vực đường bộ, việc ra mắt Sàn giao dịch vận tải hàng hoá thông qua hình thức xã hội hoá là cách làm hiệu quả, cần nhân rộng ra nhiều lĩnh vực vận tải khác.
Liên quan đến Sàn giao dịch vận tải, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) xem xét ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế khuyến khích các giao dịch trên sàn.
Gỡ nút thắt để kết nối phương thức vận tải
Một trong những bất cập hiện nay trong hoạt động vận tải là thiếu sự kết nối đường sắt với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là giữa đường sắt với các cảng biển và đường thuỷ nội địa. Theo ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN, thời gian qua, Cục Đường sắt VN và Cục Hàng hải VN đã tiến hành rà soát các cảng có kết nối với đường sắt. Qua rà soát, Cục đề xuất Bộ GTVT giao các Cục rà soát quy hoạch các cảng đường biển và đường sông cần thiết phải kết nối với đường sắt để có thể đưa đường sắt vào lấy hàng tại cảng.
Một nút thắt nữa cần được tháo gỡ để tăng tính kết nối các phương thức vận tải là câu chuyện sang mạn hàng hoá giữa tàu biển và đường thuỷ nội địa. Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN, chính sách sang mạn hàng hoá đang gây khó khăn cho phương tiện đường thuỷ. Chẳng hạn khi xuất nhập khẩu, lẽ ra container có thể được sang mạn ở cảng biển từ tàu mẹ sang tàu thuỷ nội địa và đi thẳng vào nội địa để tháo chì. Làm như vậy, giá vận tải sẽ rất rẻ do không phải qua các dịch vụ trung gian tại cảng. Tuy nhiên, hiện nay hình thức này đang không được khuyến khích.
“Giá cước một chuyến vận chuyển container dù phải chạy rỗng từ cảng Hải Phòng lên Việt Trì lấy hàng về chỉ là 6,5 triệu đồng/container, trong khi đường bộ lên tới 8,5 triệu đồng/container. Vận tải đường thuỷ đang có dư địa phát triển tốt, cần sớm tận dụng để giảm chi phí vận tải”, ông Giang kiến nghị và đề xuất thêm, cần có chính sách yêu cầu các cảng phải định rõ cần có bao nhiêu phần trăm hàng hoá vào cảng phải đi bằng đường thuỷ. Như vậy mới phát huy được ưu thế lớn về địa hình để phát triển đường thuỷ, giải quyết ùn tắc đường bộ.
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN cũng cho biết, vận tải đường biển đang rất tiềm năng nhưng hiện nay chiếm chưa được 7% tỷ trọng. Dù đến nay cơ chế, chính sách, thủ tục cho tàu vào cảng đã rút ngắn, chỉ còn 15 - 30 phút/tàu so với hàng giờ đồng hồ trước đây. Vì vậy, cần nghiên cứu để kết nối các phương thức vận tải, trong đó có cả các doanh nghiệp logistics, quy hoạch kho bãi và cần phải thành lập Hiệp hội logistics để có thể thực hiện các hoạt động có quy mô hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, tỷ lệ thị phần vận tải đường bộ trong năm qua đã giảm từ mức 76% xuống còn 65% là kết quả rõ nhất của những nỗ lực tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải. Hàng hoá đã và đang chuyển dần từ đường bộ sang các loại hình vận tải khác để đảm bảo sự hợp lý hơn. Để triển khai tiếp nhiệm vụ tái cơ cấu vận tải, trong năm 2016, cần có kế hoạch chi tiết, trên cơ sở đề án đã phê duyệt. Các lĩnh vực vận tải khác nhau cần tính toán những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực của mình để có tháo gỡ.
“Chẳng hạn như tàu ở nước ngoài về cần có sự kết nối với đường thuỷ nội địa để giảm chi phí dịch vụ. Hay như hiện nay, nhiều doanh nghiệp rất muốn đầu tư làm đường sắt để kết nối từ các khu công nghiệp với đường sắt quốc gia nhưng thủ tục rườm rà, tiền lệ không có”, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị mạnh dạn triển khai nhằm rút ra các cơ chế phù hợp để nhân rộng.
Theo báo Giao thông.
|