Nội trong tháng 1 này, luồng cho tàu biển vào sông Hậu sẽ được khai thông. Và không lâu nữa, tàu 1-2 vạn tấn sẽ dễ dàng từ biển vào các cảng ở Tây Nam bộ để “ăn” hàng.
Trở ngại trước giờ “G”
Tuần trước, trong chuyến thị sát công trường Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu tại địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong quá trình hiện thực hóa dự án, qua đó góp phần mở toang “cánh cửa” cho tàu bè từ biển vào vùng sông nước miền Tây rộng lớn đầy tiềm năng.
Thông tin từ Ban Quản lý dự án Hàng hải (Bộ GTVT) cho hay, đến thời điểm này, tiến độ tổng thể của dự án nói trên đã đạt gần 90%. Trong đó tuyến đê biển phía Nam (Gói thầu 10A) với chiều dài 2,4km đã thi công đạt cao trình +5,7 m (hệ Hải đồ) và đã bắt đầu phát huy được công năng của một tuyến đê chắn cát, giảm sóng kết hợp với đê Bắc của Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải tạo nên một hệ thống bể cảng tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Ngoài ra, công tác thi công nạo vét tuyến luồng cũng đã đạt đến cao độ thiết kế - 6,5m đối với 42/46,5km và đã hoàn thành việc thi công kè bảo vệ bờ dọc kênh Tắt đào mới đến cao trình +5,8m…
“Theo kế hoạch, vào ngày cuối cùng của năm 2015, việc thông luồng sông Hậu sẽ diễn ra. Đại diện chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo các nhà thầu thi công khẩn trương và chuẩn bị các điều kiện cần thiết về phương tiện máy móc để thông luồng kỹ thuật, nhưng đến giờ “G” vẫn không thể “cắt” được quốc lộ 53 và tuyến đê Hải Thạnh Hòa để cho tàu vào nạo vét.
Việc thông luồng vì thế phải lùi lại so với kế hoạch”, ông Trần Anh - Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hàng hải nói.
Được biết, luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu được Bộ GTVT phê duyệt xây dựng giai đoạn 1 với hạng mục luồng chạy tàu 46,5km, hơn 2 km đê chắn sóng phía Nam, kè bảo vệ bờ dọc hai bên kênh Tắt... với kinh phí trên 7.500 tỷ đồng.
Theo đại diện chủ đầu tư, dự án này sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cho tàu vạn tấn từ biển có thể vào sâu các cảng trên sông Hậu như Cần Thơ, Cái Cui… để vận chuyển hàng hóa, với năng lực thông qua luồng khoảng hơn 20 triệu tấn/năm; riêng hàng container sẽ đạt 450.000 - 500.000 TEU/năm giai đoạn đến năm 2020.
Công trình này hoàn thành còn giúp tránh được tình trạng tàu thuyền mắc cạn do bồi lắng lối ra vào ở cửa Định An.
Đếm ngược ngày thông luồng
Do có một vai trò hết sức quan trọng đối với giao thông và phát triển kinh tế của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên nhân dân các tỉnh trong khu vực hết sức quan tâm đến ngày mở “cửa” luồng cho tàu bè qua lại.
Cụ thể, trong trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ về tiến độ Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định: “Đầu năm 2016, sau khi hoàn thành đồng bộ dự án, tàu biển có trọng tải 20.000 tấn có thể vào được các cảng ở sông Hậu theo đúng quy mô đầu tư của dự án”.
Ngày “về đích” đã được người đứng đầu ngành Giao thông ấn định, nhưng trên thực tế nếu không có biện pháp tháo gỡ các vướng mắc như việc cắt tuyến quốc lộ 53, đê Hải Thạnh Hòa để nạo vét luồng, đồng thời giải quyết dứt điểm một số tồn tại về mặt bằng của một số gói thầu thì tiến độ của dự án khó chuyển động như mong muốn.
“Trong buổi làm việc với địa phương hôm 28/12, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Trà Vinh phối hợp xử lý để có thể cắt đê và tuyến quốc lộ nhằm sớm thông luồng sông Hậu. Lãnh đạo tỉnh đã cam kết hỗ trợ, đồng thời hứa sẽ vận động người dân ủng hộ dự án.
Vì thế, chúng tôi đã thống nhất sẽ nỗ lực để có thể tổ chức việc thông luồng kỹ thuật ngay trong tháng 1/2016”, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Hàng hải nói.
Rõ ràng, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, việc sớm thông luồng sông Hậu không chỉ đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp mà còn giúp các cụm cảng ở Cần Thơ cũng như hệ thống các cảng trên tuyến sông Hậu “sống” lại, từ đó có điều kiện để hoạt động hết công suất thiết kế.
Thực tế, khi tuyến giao thông thủy này đi vào hoạt động sẽ giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tỏa đi các nơi.
Đặc biệt, với việc thiết kế luồng sâu, tàu trọng tải lớn từ biển có thể ra vào “ăn” hàng trực tiếp tại các cảng trên sông Hậu, vì thế sẽ không còn cảnh trung chuyển hàng hóa xuất khẩu (gạo, thủy sản…) bằng xà lan từ miền Tây đến các cảng xuất ở TP HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu mất tới hàng chục giờ đồng hồ như trước nữa.
Làm “sống” lại các cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long
“Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có gần 30 cảng lớn nhỏ, trong đó cụm cảng trung tâm thuộc TP Cần Thơ. Trong khi các cảng ở TP HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu… luôn quá tải, thì các cảng biển ở miền Tây chỉ hoạt động khoảng 30 - 50% công suất do cửa ra biển Đông thường xuyên bồi lắng, chỉ đáp ứng tàu dưới 1 vạn tấn.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành Dự án luồng sông Hậu, luồng tàu qua kênh Quan Chánh Bố được đưa vào khai thác sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển thẳng bằng tàu lớn hơn 1 vạn tấn từ các cảng trên sông Hậu, chi phí vận tải giảm từ 5-10USD/tấn hàng hóa”.