Những cải cách của vận tải thủy trong thời gian qua đều hướng đến mục tiêu là tăng sức hấp dẫn cho ngành, phát huy lợi thế vận tải giá rẻ, an toàn và nâng cao sức cạnh tranh.
Bước sang năm 2016, ngành đường thủy được đánh giá sẽ tạo sức hút với doanh nghiệp bởi các lợi thế cạnh tranh.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), một trong những đột phá của ngành vận tải thủy trong thời gian qua là đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam (từ Quảng Ninh đến Kiên Giang).
Chỉ sau một năm, tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam (sông pha biển - SB) đã vận chuyển được hơn 6 triệu tấn hàng hóa; trong đó phần lớn là các mặt hàng có khối lượng lớn và hàng siêu trường, siêu trọng. Thành công của tuyến SB mang lại vượt ngoài mong đợi.
“Với số hàng qua đường biển này, nếu vận chuyển theo đường bộ sẽ tương đương khối lượng vận chuyển của 200 nghìn chiếc xe có trọng tải 30 tấn. Lượng xe này chạy trên đường bộ sẽ gây áp lực lớn, gây quá tải và xuống cấp cho đường sá”, ông Trần Bảo Ngọc phân tích.
Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch Công ty TNHH Vận tải Hà Trung (Nam Định) chia sẻ, doanh nghiệp hiện có một đội tàu 5 chiếc chạy tuyến sông pha biển, đang nhận được nhiều đơn hàng vì giá cước rẻ hơn nhiều so với đường bộ do chở được nhiều hàng mà chi phí ít hơn. Từ khi tham gia tuyến đường thủy SB, doanh nghiệp đã tiết kiệm được nhiều chi phí so với đường bộ.
Doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khi tham gia tuyến đường thủy sông pha biển. Ảnh: TTXVN
Đánh giá về kết quả của vận tải thủy thời gian qua, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, năm 2015, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường thủy nội địa đạt hơn 200.000 tấn, tăng 9% so với năm trước.
Điều này cho thấy, thị phần vận tải đường thủy nội địa ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Thực tế cho thấy, giá cước vận tải theo đường thủy nội địa thuộc diện thấp nhất, chỉ bằng 30% so với đường bộ và rất thích hợp cho việc vận chuyển container.
Ông Hoàng Hồng Giang dẫn chứng: “Giá cước một chuyến vận chuyển container loại 40 feet dù phải chạy rỗng chở container từ cảng Hải Phòng lên Việt Trì lấy hàng về chỉ có giá khoảng 4,5 triệu đồng tính cả các loại thuế, phí. Nếu đi đường bộ, giá cước sẽ lên tới 9 - 10 triệu đồng, tính các chi phí cầu đường có khi lên tới 12 triệu đồng.
Như vậy, dù chở hàng một chiều nhưng giá cước đường thủy rẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có thể kết hợp nhận được đơn hàng chiều về thì thắng lợi còn nhiều hơn”, ông Hoàng Hồng Giang cho hay.
Cũng theo ông Hoàng Hồng Giang, ngoài tuyến vận tải ven biển, một số tuyến mới cũng đã có sự khởi sắc như: các tuyến vận chuyển container từ Đồng bằng sông Cửu Long đi Campuchia hay tuyến Hải Phòng - Việt Trì, Hạ Long - Móng Cái...
“Để tiếp tục phát huy thành công của tuyến đường thủy pha sông biển từ Bắc vào Nam , thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa sẽ đề xuất mở thêm các tuyến pha sông biển quốc tế từ Việt Nam đi Campuchia và Trung Quốc. Đối với các tuyến đường thủy nội địa hiện đã cơ bản hoàn thiện, chúng tôi sẽ chủ trương nâng cấp các tuyến trọng điểm như: Hành lang Duyên hải, Tp. Hồ Chí Minh - Cà Mau, Hải Phòng - Việt Trì, Quảng Ninh - Móng Cái…”, ông Giang cho biết.
Theo dự báo, hạ tầng vận tải đường thủy trong năm 2016 và những năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục khởi sắc hơn khi ngành đường thủy đã tách chức năng quản lý Nhà nước với dịch vụ bảo trì và chuẩn bị thí điểm đấu thầu quản lý bảo trì. Việc làm này sẽ nâng hiệu quả nguồn vốn bảo trì và chất lượng luồng tuyến vận tải.
Ngoài ra, sự chuyển biến đáng ghi nhận của ngành đường thủy trong năm qua là siết chặt quản lý vận tải, hạ tầng theo Luật Giao thông Đường thủy nội địa, nâng trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính đã được Cục Đường thủy nội địa đẩy mạnh, đặc biệt là triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 25 thủ tục.
Ông Văn Trọng Dũng, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I cho biết, gần một năm qua, số trường hợp vi phạm luật bị xử lý tăng hơn 100% và cơ bản không còn phương tiện rời cảng bến trong tình trạng quá tải.
Hoạt động cảng vụ đường thủy đang có sự đổi mới, từ biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, đến phục vụ doanh nghiệp tốt hơn, chung tay giải quyết cảng, bến hoạt động không phép để tạo sự công bằng trong vận tải.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần vận tải Song Gianh (Quảng Bình) Phạm Tiến Dũng cũng ghi nhận, ngành đường thủy trong năm qua đã tích cực lắng nghe, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo sự thân thiện, gần gũi giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, người dân.
Năm 2015 cũng là lần đầu tiên Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, người dân và đã ban hành hơn 50 văn bản chỉ đạo, điều hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục trưởng và các Cục phó trực tiếp đi cùng doanh nghiệp để nắm bắt thực tế, cùng doanh nghiệp bàn bạc mở các tuyến mới như vận tải container Việt Trì - Hải Phòng, phát triển vận tải container Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy nhanh thời gian vận tải qua biên giới với Campuchia.
Đồng thời, Cục Đường thủy nội địa cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và giảm tối đa chi phí cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí cho cơ quan chức năng; tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp./.
Theo Bnews.