Sau ba năm liên tiếp gặp nhiều khó khăn do áp lực cạnh tranh gay gắt, bước qua những tháng đầu tiên của năm 2016, xuất khẩu (XK) lúa gạo của Việt Nam có nhiều tin vui, mở ra triển vọng cho nhà nông một năm bớt nhọc nhằn.
Nhu cầu thu mua tăng
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hoạt động XK gạo đầu năm 2016 thuận lợi hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2015. Hiện hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua vào khoảng hơn 1,3 triệu tấn, cộng với quí 1/2016, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thương mại thêm 200.000 tấn. Ngay quí 1, các doanh nghiệp phải giao cho các đơn hàng khoảng 1,2 triệu tấn đã góp phần làm gia tăng nhu cầu thu mua lúa gạo phục vụ cho hoạt động XK.
"Khác với những năm trước, năm nay lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp không còn nhiều và doanh nghiệp sẽ phải tăng cường thu mua khi thu hoạch vụ đông xuân. Với hai yếu tố thuận lợi về lượng tồn kho thấp và hợp đồng thương mại còn nhiều ngành lúa gạo có một khởi điểm rất lạc quan. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố khách quan tác động giúp giá gạo thị trường thế giới năm 2016 sẽ phục hồi như tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino khiến sản xuất lương thực giảm, lượng tồn kho toàn cầu suy giảm... nên vụ đông xuân năm nay nhà nông sẽ bớt lo về giá cả, ngành chức năng cũng sẽ “nhẹ gánh” về giải pháp làm sao giúp nhà nông giải quyết bài toán đầu ra...", ông Năng phân tích.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, kết thúc tháng 1/2016, XK gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị khi ước đạt 495.000 tấn, tăng 57% về khối lượng và 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân XK gạo tăng trưởng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường thu mua gạo. Dự báo của các chuyên gia trong ngành, XK gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt và các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia Malaysia... sẽ sớm ký hợp đồng. Năm 2016, thị trường XK gạo của Việt Nam sẽ vẫn tập trung ở châu Á, trong đó Trung Quốc do có nhu cầu cao, vận chuyển dễ dàng và yêu cầu thấp về chất lượng sẽ là thị trường tiêu thụ gạo lớn đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước.
"Philippines đã có kế hoạch mua thêm gạo để đảm bảo nguồn cung lương thực và trong các thời điểm bị thiên tai sẽ mua ít nhất 50.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Còn chính phủ Indonesia cũng thông qua dự định mua 350.000 tấn gạo ngay trong quý 1/2016 để tăng lượng dự trữ và hạn chế tăng giá. Ngoài ra, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino, nhiều khả năng Malaysia cũng sẽ gia tăng lượng nhập khẩu gạo trong năm 2016... ", ông Năng nói thêm.
Nâng cao tính cạnh tranh
Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng Giám đốc Angimex (An Giang) cho rằng, giá gạo nội địa vẫn cao hơn giá gạo trung bình của thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến XK lúa gạo của Việt Nam. Cụ thể đối với gạo 5% cùng loại, có lúc gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan và Ấn Độ 10 - 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan khoảng 60 USD/tấn. Hiện giá gạo trong nước đã xuống 5 - 10 USD/tấn, nhưng vẫn còn cao và nếu tình hình kéo dài sẽ rất khó khăn trong việc ký kết những hợp đồng thương mại tiếp theo.
"Năm 2016, Việt Nam tham gia sâu các cộng đồng, hiệp định kinh tế và ngành lúa gạo phải nhanh chóng đổi mới để có sức cạnh tranh tốt hơn. Khảo sát của doanh nghiệp chúng tôi cho thấy, hầu hết các thị trường đều yêu cầu gạo chất lượng cao và quy định tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ, môi trường cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó lại đang có bất đồng giữa những nhà XK lúa gạo muốn tự do hóa để thúc đẩy hoạt động XK với nước nhập khẩu muốn duy trì thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước", ông Tiến lo ngại.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, cùng với các ngành chức năng, hiện Bộ đang tăng cường các giải pháp giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường XK. Bộ đã làm việc với các cơ quan chức năng nhằm có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp XK gạo sang thị trường châu Phi. "Châu Phi hơn một tỉ dân và có nhu cầu nhập khẩu gạo 25% tấm, mà đây lại là loại gạo Việt Nam có thể cung cấp với mức giá cạnh tranh. Song song đó, ngay trong năm nay Bộ cũng sẽ ban hành bộ quy chuẩn về chất lượng gạo và đây sẽ là cơ sở pháp lý xử lý các doanh nghiệp tự hạ chất lượng gạo để cạnh tranh về giá góp phần ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu gạo...", ông Nam nhấn mạnh.
Theo Báo Tin tức - TTXVN