Với việc loại bỏ các hàng rào kĩ thuật và sự hội nhập quốc tế nhanh chóng đang mở ra cơ hội cho xuất khẩu trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, điều các nhà vườn và doanh nghiệp đang quan tâm là làm sao đẩy mạnh phát triển trái cây bền vững theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP... để đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các nhà nhập khẩu.
Tiêu thụ thuận lợi
Sau Tết, giá trái cây thường hạ nhiệt, nhưng năm nay thời điểm tháng 3 nhiều loại trái cây vẫn neo giá, thậm chí không ít loại còn cao hơn so với trước Tết. Cụ thể, nếu như trước Tết, thanh long ruột trắng chỉ bán với giá chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg, hiện giá thanh long loại này đã tăng lên 12.000 - 13.000 đồng/kg; những loại trái cây phổ biến khác như: xoài, mãng cầu xiêm, nhãn, quýt... cũng tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg... Với giá cả như trên, sau khi trừ chi phí nhà nông thu lãi từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, góp phần mở ra triển vọng một năm nhiều thuận lợi về đầu ra cho các nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Nguyễn Hoài Nam ở huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán nông dân phấn khởi vì giá thanh long tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước đó. Trong hai quý cuối năm 2015, người trồng thanh long nói riêng và cây ăn trái nói chung thua lỗ nhiều nhưng hiện nhờ giá cả khởi sắc khiến nhà vườn rất phấn khởi. "Dù chưa vào vụ chính nhưng thương lái đã tỏa khắp các nhà vườn tìm mua trái cây, đặc biệt những loại phục vụ cho xuất khẩu như thanh long, nhãn, xoài... Trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp thông tin sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm trái cây chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước như Mỹ, Nhật, Australia... giúp nhà nông yên tâm về đầu ra", anh Nam cho hay.
Hiện, cả nước có hơn 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Theo số liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay trái cây Việt đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thanh long là loại quả xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp trong nước khi chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch; trong khi những loại quả khác như xoài, nhãn, vải... đang được thị trường các nước Nhật Bản, EU... ưa chuộng. Bên cạnh đó, cơ hội cho người nông dân Việt Nam nói chung và người trồng trái cây nói riêng đang được rộng mở khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do thời gian tới sẽ có hiệu lực.
Mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD
Bà Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, cho biết hiện Australia đã cho phép nhập khẩu 28 tấn quả vải từ Việt Nam và New Zealand cũng đang kiểm tra quy trình trồng chôm chôm, cũng như xem xét nhập khẩu loại trái cây này... Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây từ Australia, Nga... cũng đang có mong muốn nhập khẩu trái cây Việt Nam. Riêng ngành nông nghiệp cũng đang làm những thủ tục cần thiết, giải quyết khó khăn cho việc xuất khẩu vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thanh long... sang các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan...
"Trong năm 2015, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu 3 triệu tấn vải, 100 tấn nhãn sang Hoa Kỳ. Ngành chức năng dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm nay có thể đạt kim ngạch tới 2 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với năm 2015 nhờ vào sự mở cửa của ba thị trường khó tính gồm Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Hiện việc kiểm dịch đối với trái cây xuất khẩu đang được tăng cường, đặc biệt là vào các thị trường khó tính, như thanh long, nhãn, chôm chôm và xoài. Tuy nhiên, thủ tục sẽ được đơn giản hóa nhằm vừa đảm bảo chất lượng vừa giúp các doanh nghiệp xuất khẩu dễ dàng hơn trong kinh doanh", bà Mai chia sẻ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của các nhà nhập khẩu về số lượng trái cây bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt chẽ với nông dân để ký kết hợp đồng, giám sát chất lượng từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm trái cây... Riêng nhà vườn phải nhanh chóng thay đổi thói quen sản xuất, thích nghi với điều kiện sản xuất mới cùng với doanh nghiệp xây dựng được chuỗi sản xuất, xuất khẩu bền vững.
"Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vừa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững ở một số loại trái cây chủ chốt. Riêng thanh long, các nhà vườn, hợp tác xã sẽ được chọn lựa đào tạo, huấn luyện những kỹ thuật, kỹ năng cơ bản từ sản xuất cho đến tiếp cận thị trường, hướng tới xuất khẩu vào các thị trường khó tính", bà Mai nói thêm.
Theo Báo Tin tức - TTXVN