Thông tin gần đây cho biết NH Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) trở thành một trong những cổ đông sáng lập của một hãng hàng không mới thành lập trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không - Vasco. Cũng liên quan tới hàng không, BIDV bày tỏ muốn được làm cổ đông chiến lược của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Dường như các nhà băng hiện đang rất quan tâm đến lĩnh vực hàng không.
“Hôn nhân” NH - hàng không
Trong đề án lập hãng bay mới do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố, số vốn ban đầu của công ty cổ phần mới thành lập quy mô tối thiểu 300 tỷ đồng, đội tàu bay dự kiến dưới 10 tàu. Theo kế hoạch tái cấu trúc Vasco do Vietnam Airlines lên phương án, Techcombank sẽ hỗ trợ tài chính, đảm bảo việc thực hiện tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của Vasco. Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ nắm 51% vốn điều lệ, còn Techcombank sở hữu 49%.
Dù chỉ mua với giá quanh mức giá trị sổ sách, nhưng việc đầu tư tài chính vào Vietnam Airlines không mấy hấp dẫn, hiển nhiên là các NH không thể không biết điều đó. Song nhìn vào doanh thu, dòng tiền và lượng tiền mặt của các hãng hàng không, bất kỳ NH nào cũng mơ ước thành cổ đông chiến lược.
Vietnam Airlines góp vốn bằng tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, cùng kho phụ tùng vật tư ATR72, còn Techcombank góp vốn bằng tiền mặt. Techcombank sẽ rót 147 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu vào hãng bay mới; còn Vietnam Airlines sẽ cung cấp máy bay và các tài sản khác của Vasco (tương đương khoảng 153 tỷ đồng). Theo kế hoạch trong 9 tháng 2016, Vasco sẽ có lãi 103 triệu đồng. Các năm tiếp theo, năm 2017 là 592 triệu đồng, năm 2018 hơn 1,25 tỷ đồng. Như vậy, trong gần 3 năm dự kiến Vasco sẽ lãi khoảng 1,95 tỷ đồng.
Trả lời giới truyền thông, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sẽ tách Vasco thành một hãng bay chặng ngắn nội địa để cạnh tranh với các đối thủ giá rẻ hiện nay. Trong khi đó, đại diện Techcombank vẫn chưa khẳng định hoàn toàn và cho rằng đang trong giai đoạn tìm hiểu cơ hội, dù thông tin mới nhất cho rằng người của Techcombank sẽ là chủ tịch của Hãng hàng không Vasco, còn giám đốc điều hành được cử từ Vietnam Airlines. Trên thực tế, sự hợp tác giữa Techcombank và Vietnam Airlines đã có từ trước rất lâu và đây không phải lần đầu tiên Techcombank trở thành cổ đông trong lĩnh vực hàng không. Trong đợt bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines hồi tháng 11-2014, Techcombank mua thành công 1,82% vốn của Vietnam Airlines và trở thành nhà đầu tư tổ chức lớn nhất (cùng với Vietcombank mua thành công 1,6% vốn). Trong khi đó, Vietnam Airlines lại từng là cổ đông lớn sở hữu 20% vốn NH này trước khi thoái vốn theo yêu cầu của Nhà nước. Tại ĐHCĐ lần đầu tiên của Vietnam Airlines vào tháng 3-2015, đại diện của Techcombank đã được bầu vào HĐQT.
Một đơn vị khác là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ lần đầu vào 16-3 tới đây. Đây là một doanh nghiệp “hot” trong ngành hàng không không kém Vietnam Airlines đã IPO vào tháng 12-2015. ACV có vị thế là doanh nghiệp điều hành cảng hàng không độc quyền tại Việt Nam, một thị trường đang phát triển nhanh chóng với tiềm năng rất lớn. Theo nội dung dự kiến của đại hội, ACV sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua phương án chào bán 7,4% cổ phần (tương đương 166,2 triệu cổ phiếu) cho Aéroports de Paris (AdP - tập đoàn quản lý sân bay đến từ Pháp). Một nguồn tin cho hay, đại hội không đề cập đến các nhà đầu tư chiến lược khác cũng như đề xuất bán cổ phần sau đó. Nhưng trước đó, thông qua truyền thông AdP đã bày tỏ mong muốn mua ít nhất 25% cổ phần của ACV. Trong khi đó, một nhà băng khác là BIDV cũng mong muốn mua 5% cổ phần.
Như vậy, hiện nay không chỉ Techcombank-Vietnam Airlines, Vietcombank-Vietnam Airlines hay cặp đôi vốn quá quen thuộc khác là HDbank-VietJet Air, mà hiện tại các ông lớn NH khác cũng đang có ý muốn sở hữu cổ phần tại các hãng hàng không như BIDV. Tuy nhiên, việc BIDV muốn trở thành cổ đông chiến lược của ACV được cho là rất khó do tiêu chí lựa chọn khá khắt khe. Chẳng hạn, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tổ chức tài chính của ACV là vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD, trong khi BIDV hiện chỉ đạt 34.187 tỷ đồng (tương đương 1,85 tỷ USD). Dù cơ hội khá ít, nhưng được biết BIDV vẫn quyết tâm trở thành cổ đông chiến lược của ACV. Theo đó, BIDV đề xuất hợp tác với Tập đoàn Hàng không AdP của Pháp, hay một tổ chức khác trong lĩnh vực hàng không do Chính phủ hoặc ACV giới thiệu để cùng tham gia trong tổ hợp nhà đầu tư chiến lược.
Sức mạnh của các hãng hàng không là doanh thu, dòng tiền và lượng tiền mặt khổng lồ của khách hàng. Ảnh: LONG THANH
Đâu là điểm hấp dẫn
Không chỉ là cổ đông, sự hợp tác giữa Vietnam Airlines-Techcombank là cặp đôi đang bắt đầu được biết đến nhiều hiện nay giữa NH và lĩnh vực hàng không. Trên website của Techcombank có thông tin về việc 2 bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Sự hợp tác này được cho là có lợi cho cả 2, khi Techcombank sẽ cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ tài chính trọn gói với chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho Vietnam Airlines. Các khoản này bao gồm các giải pháp tài chính doanh nghiệp và tài chính cá nhân, như: dịch vụ trả lương, quản lý tiền tệ, tài trợ thương mại, ngoại hối và thị trường vốn, tài trợ vốn lưu động, tài trợ dự án, tài trợ nhà thầu - đại lý - nhà cung cấp của Vietnam Airlines, cũng như các sản phẩm tài chính cá nhân cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines. Đồng thời, Vietnam Airlines sẽ tạo điều kiện để Techcombank tiếp cận, tham gia cung cấp dịch vụ tài chính NH, đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết của Vietnam Airlines. Tương tự, cổ đông NH khác là Vietcombank cũng đã có sự hợp tác chiến lược toàn diện với Vietnam Airlines.
Một chuyên gia tài chính chia sẻ, việc lĩnh vực hàng không thu hút NH không phải do hấp dẫn bởi giá trị những hãng này, mà là những món lợi khổng lồ từ sự hợp tác chiến lược. Trên thực tế, hiệu quả kinh doanh của hãng hàng không quốc gia Việt Nam trong những năm qua rất thấp. Với số vốn chủ sở hữu quanh mức 10.000 tỷ đồng và doanh thu hơn 50.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của Vietnam Airlines trong những năm qua chỉ vài chục đến hơn 100 tỷ đồng, thậm chí thua lỗ 64 tỷ đồng trong năm 2012. Như vậy, dù chỉ mua với giá quanh mức giá trị sổ sách, việc đầu tư tài chính vào Vietnam Airlines cũng không mấy hấp dẫn, hiển nhiên là các NH không thể không biết điều đó.
Vậy tại sao hàng không vẫn rất hấp dẫn các nhà băng? Nhìn vào doanh thu, dòng tiền và lượng tiền mặt của các hãng hàng không, bất kỳ NH nào cũng mơ ước thành cổ đông chiến lược. Chẳng hạn năm 2015, doanh thu của Vietnam Airlines lên đến hơn 70.000 tỷ đồng, lượng tiền mặt luân chuyển mỗi thời điểm cũng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines, NH sẽ có một khách hàng khổng lồ. Không chỉ được sử dụng vốn dồi dào, giá mềm mà việc cung cấp dịch vụ tài chính cho các hãng hàng không cũng hết sức hấp dẫn. Đây gần như là một khách hàng “an toàn” và nhu cầu tài chính rất lớn để mua sắm, thuê máy bay…
Những phân tích trên cũng lý giải phần nào cho việc BIDV muốn trở thành đối tác chiến lược của ACV. Đây là công ty có doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, đặc biệt doanh nghiệp này sở hữu một khối tài sản khổng lồ với tiềm năng khai thác rất lớn. Rõ ràng, ACV cũng hấp dẫn không kém Vietnam Airlines để thu hút NH làm cổ đông chiến lược.
Theo Sài Gòn đầu tư