Ngày 25-4 vừa qua, Thái Lan thông báo kế hoạch bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ trong vòng 2 tháng tới để thu về 2,84 tỷ USD. Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử của quốc gia Đông Nam Á này. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới là vấn đề được quan tâm hiện nay.
Với thông tin Thái Lan xả kho 11,4 triệu tấn gạo, việc bám sát diễn biến thị trường gạo xuất khẩu là rất cần thiết.
Thái Lan giành lại vị thế số 1
Theo kế hoạch trên, chỉ trong 60 ngày, Thái Lan sẽ "bán tháo" lượng gạo nhiều hơn cả số gạo xuất khẩu trong cả năm. Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, hiện nước này còn trữ khoảng 100.000 tấn gạo "chất lượng tốt", 7,5 triệu tấn gạo chất lượng "dưới tiêu chuẩn", 1,5 triệu tấn gạo dùng cho chế biến sản phẩm công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, nước này đã giành vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm 2016 với tổng lượng gạo xuất khẩu là 2,85 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu từ lượng gạo xuất khẩu trên là 44 tỷ baht (1,26 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015. Trong cùng thời gian trên, Ấn Độ xuất khẩu 2,3 triệu tấn gạo, Việt Nam là 1,4 triệu tấn, Pakistan 1,3 triệu tấn và Mỹ xuất khẩu 820.000 tấn. Như vậy, sau nhiều năm để mất vị trí là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vào tay Ấn Độ, giờ đây Thái Lan đã giành lại vị thế quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm không thể tốt hơn khi Thái Lan "mở kho" bán 11,4 triệu tấn gạo dự trữ. Hiện tượng thời tiết El Nino gây hạn hán trong khu vực đã khiến nhiều quốc gia sản xuất gạo gặp khó khăn, đặc biệt là hai đối thủ trực tiếp của Thái Lan là Ấn Độ và Việt Nam. Và, khi các nước xuất khẩu gạo chủ chốt gặp khó, lượng hàng tồn sẽ là nguồn cung kịp thời đúng lúc giá gạo đang tăng. Điều này giúp Thái Lan thu về lượng tiền lớn để bù vào khoản lỗ trước đó mà nước này gánh chịu trong đợt mua gạo dự trữ dưới thời nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Trong khi đó, các bạn hàng truyền thống về nhập khẩu gạo như Indonesia lại đang gặp thiếu hụt số lượng lớn, dự kiến khoảng 1,5-2 triệu tấn mới có thể đáp ứng nhu cầu cho năm tới.
Hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ làm giảm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, Chính phủ Thái Lan đang có bước đi rất đúng, chọn "điểm rơi" tốt trong bối cảnh thời tiết ảnh hưởng mạnh đến sản lượng gạo trong khu vực.
Cần nắm bắt diễn biến thị trường
Trước việc Thái Lan "mở kho" bán 11,4 triệu tấn gạo, Bộ Công thương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ, thương vụ Việt Nam tại các nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát tình hình thị trường, kịp thời, chủ động nắm thông tin phục vụ công tác điều hành của Chính phủ. Bộ cũng yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký, giảm dần việc phụ thuộc vào một thị trường.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong tháng 4-2016 ước đạt 510.000 tấn, với giá trị 235 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam, tiếp đó là Indonesia. Ngoài ra, các thị trường khác cũng có sự tăng trưởng mạnh là: Ghana, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Philippines, Bờ Biển Ngà...
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhận định: Việc bán xả kho gạo trên sẽ khó ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam bởi gạo Thái Lan đã tồn kho lâu, chất lượng giảm. Trong khi gạo của Việt Nam là gạo mới thu hoạch, chất lượng tốt nên được các nước ưa chuộng hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đã ký được các hợp đồng từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng nhận định, nếu việc xả gạo này làm cho giá thu mua gạo của nông dân giảm thì người dân sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cho rằng, các bộ, ngành và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần phối hợp chặt chẽ, nắm bắt diễn biến về giá gạo trên thị trường để có định hướng sản xuất từ nay đến cuối năm, không để ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo cũng như đời sống của bà con nông dân.
Được biết, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và sản xuất lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thương nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo; củng cố, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập… là những giải pháp các Bộ đã đề ra.
"Tuy nhiên, về lâu dài, để ổn định thị trường lúa gạo, các doanh nghiệp phải chung tay đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo. Theo đó, phải định hướng lại cơ cấu giống sản xuất và hệ thống canh tác lúa chuyên canh, đa dạng hóa sản xuất trên ruộng lúa, vùng lúa. Việc tái cơ cấu sản xuất kinh doanh lúa gạo phải hướng vào lợi ích của nông dân, tạo động lực để người nông dân tích cực canh tác lúa mới cho hiệu quả" - ông Bảnh nói.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam:
Tập trung vào những thị trường ít cạnh tranh với Việt Nam
Mấy năm nay, lượng gạo tồn kho của Thái Lan luôn được xem có ảnh hưởng đến tình hình giá gạo thế giới. Nếu họ cấp tập bán ra 11,4 triệu tấn gạo, tôi cho rằng sẽ gây ra một cú sốc về giá, kéo giá gạo thế giới đi xuống, tác động đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, nhất là gạo cấp thấp. Tuy nhiên, trong số gạo mà Thái Lan định xả hàng, chỉ có khoảng 100.000 tấn là gạo có chất lượng, khoảng 7,5 triệu tấn là gạo dưới chuẩn nên có thể xếp vào loại gạo giá rẻ, tập trung vào những thị trường ít cạnh tranh với Việt Nam. Riêng đối với gạo cấp cao, Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex):
Doanh nghiệp Việt cần tỉnh táo
Thông tin Thái Lan bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho ngay trong tháng 5 và tháng 6-2016 còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nếu xét ở góc độ logistics thì không thể nào điều tiết được hơn 11 triệu tấn gạo chỉ trong hai tháng được. Chính vì vậy, tôi cho rằng thông tin này còn nhiều điểm nghi ngờ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nên tỉnh táo tìm hiểu, thu thập thông tin thị trường nhiều chiều để có bước đi phù hợp, tránh bị sập bẫy những thông tin gây nhiễu, ảnh hưởng đến việc thu mua trong nước.
Theo báo Hà Nội mới.