Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều tổ chức thương mại khu vực như: TPP, EVFTA, AEC,… điều này cho thấy Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm chế tác lớn của thế giới, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) gia tăng và tạo thị trường cho ngành logistics.
Đặc biệt, khi TPP có hiệu lực với việc gỡ bỏ 18.000 dòng thuế và gỡ bỏ các rào cản phi thuế quan sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia, tạo cơ hội mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cho các DN Việt Nam nói riêng và các DN nước ngoài.
Thế nhưng bài toán lớn nhất hiện nay cho ngành logistics là về kết cấu hạ tầng. Theo ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, kết cấu hạ tầng chưa định lượng được ở mức quốc gia, khu vực đến từng ngành sản xuất. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng chưa phát triển đầy đủ, tập trung nặng về đường bộ. Trong khí đó, vận tải logistics không chỉ về đường bộ mà bao gồm cả vận tải biển ven bờ, đường thủy nội địa,…
Chính vì vậy, để giúp DN logistics trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các cơ quan quản lý. Theo đó, Nhà nước nên tiến hành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics quốc gia, đồng thời xây dựng các chính sách phát triển và kế hoạch phù hợp; Xây dựng khung pháp lý thống nhất và tạo thuận lợi cho hoạt động logistics của DN.
Đối với các DN logistics nên tái cơ cấu và xác lập bộ phận chuyên quản trị về logistics nhằm mục đích xác định rõ phương hướng phát triển của công ty và xây dựng chiến lược nhất quán với Chính phủ để tăng cường sức cạnh tranh. Đặc biệt là các DN cần phải đánh giá thực trạng, xác định thị trường của mình và phát huy điểm mạnh để nâng cao tính cạnh tranh. Đồng thời, hợp tác với các DN XNK để tạo chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Theo báo Hải Quan.