Sau nhiều nỗ lực cải tạo, thành phố Đà Nẵng đã di dời cảng Sông Thu và cảng Sông Hàn ra khỏi nội đô.
Trước đây, trên sông Hàn đoạn chảy qua trung tâm thành phố Đà Nẵng có cảng Sông Hàn và cảng Sông Thu là cảng vận tải hàng hóa. Sau nhiều nỗ lực cải tạo, thành phố Đà Nẵng đã di dời cảng Sông Thu và cảng Sông Hàn ra khỏi nội đô. Việc di dời này đã tạo cảnh quan thông thoáng cho đôi bờ sông Hàn. Vậy mà, mới đây, Cục Đường thủy nội địa đã đề xuất cải tạo sông Hàn để vận chuyển hàng hóa ra cảng Tiên Sa. Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự phản đối của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải, hạ tầng cảng biển của cảng Tiên Sa rất tốt nhưng lại thiếu dịch vụ hậu cần sau cảng, thiếu kết nối bằng đường thủy, gây xung đột với phát triển du lịch của thành phố. Trong khi đó sông Hàn rất sâu, phù hợp với vận tải thủy. Cục đường thủy nội địa đã bàn với tư vấn đề xuất nghiên cứu cải tạo tuyến sông Hàn này để vận tải thủy từ cảng Tiên Sa lên Khu Công nghiệp Hòa Cầm. Bởi đây là ngã ba sông nên vận tải thủy rất tốt. Từ đó, Đà Nẵng có thể phát triển tuyến vận tải hàng hóa đường thủy ngắn bằng tàu chuyên dụng để rút hàng và cấp hàng cho cảng Tiên Sa.
Ông Hoàng Hồng Giang, cục trưởng Cục Đường thủy nội địa
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, ngoài chuyện có một cái đập ngăn mặn Cầu Đỏ còn có một cầu đường sắt trên Quốc lộ 1A. Cầu này khi thủy triều lên mực nước cao nhất thì tĩnh không khoảng 4m, khoang thông thuyền chỉ có 7m. Nếu muốn khai thác tuyến này thì bắt buộc phải sử dụng loại vận tải thủy tương đối chuyên dụng, chỉ có rút hàng từ cảng Tiên Sa đến ngã ba sông Hòa Vang bằng sà lan đặc biệt.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa bác bỏ đề xuất này của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa. Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng thì sông Hàn không phải tuyến vận tải hàng hóa mà chỉ phục vụ khai thác du lịch. Vì vậy, khi còn cảng Sông Thu,thành phố đã xây cầu quay Sông Hàn, nhưng đến khi xây dựng cầu Rồng thì cảng Sông Thu phải dời đi nơi khác. Chưa kể trên dọc tuyến sông Hàn lên đến Cẩm Lệ còn nhiều cây cầu khác.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa bác bỏ đề xuất cải tạo sông Hàn
Đà Nẵng đã xây dựng các cây cầu giao nhau với đường Ngô Quyền để phát triển du lịch. Nhưng với tần suất xe container chạy liên tục trên đường Ngô Quyền thì rất nguy hiểm. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, để tiếp tục sử dụng cảng Tiên Sa thì không thể cho xà lan chạy trên sông Hàn mà cho xà lan chạy từ cảng Liên Chiểu qua cảng Tiên Sa để trung chuyển hàng hóa/
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói dứt khoát là sông Hàn không thể cải tạo thành tuyến hàng hóa nội địa được. Vì vậy,thành phố tập trung xây dựng cảng Liên Chiểu để chuyển tải hàng hóa. Theo ông Nguyễn Xuân Anh, tuyến sông Hàn chỉ phục vụ phát triển du lịch.
"Sông Hàn không thể vận chuyển hàng hóa được, bởi Sông Hàn cũng như sông Seine của Paris không thể dùng xà lan chở container được. Không khéo lại tông vào mấy tàu du lịch nữa, còn chạy ban đêm thì tông vào mấy trụ cầu thì lại rắc rối lắm. Ngược xuôi container trên sông Hàn là không được. Bởi sắp tới còn quy hoạch 2 bên bờ sông Hàn sao cho đẹp nên không thể phục vụ hàng hóa ở đây được," Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh./.
Theo VOV