Nguồn nhân lực là động lực hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh ngày nay, là chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp.
THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS VIỆT NAM
Nguồn nhân lực, từ góc độ vĩ mô được hiểu là toàn bộ khả năng lao động xã hội của một quốc gia nói chung hay từng địa phương, từng tổ chức nói riêng. Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đặt vấn đề về con người và nguồn nhân lực là trung tâm, là linh hồn trong chiến lược phát triển đất nước, kinh tế và xã hội. Các nhà nghiên cứu cũng như doanh nghiệp ngày nay đều ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Vì nguồn nhân lực không những là yếu tố quyết định đến tăng trưởng kinh tế, quyết định đến phát triển lực lượng sản xuất, là động lực để phát triển kinh tế tri thức, là yếu tố thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu nhập cho người lao động, mà còn là động lực hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh ngày nay, là chìa khóa cho sự thành công của doanh nghiệp.
THỰC TRẠNG CHUNG
Có thể thấy nguồn nhân lực trong ngành Logistics Việt Nam hiện nay còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Tuy đã phát triển dịch vụ 3PL trong những năm gần đây, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn có khoảng cách lớn với các doanh nghiệp nước ngoài về uy tín trên thương trường, dịch vụ khách hàng. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng đó, ngoài yếu kém về công nghệ là trình độ tay nghề logistics và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong Ngành còn thấp.
Báo cáo của Bộ GTVT về thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tháng 12/2014 chỉ ra rằng, hiện nay có khoảng 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, hơn 6.000 nhân viên chuyên nghiệp trong tổng số gần 1 triệu người hoạt động trong lĩnh vực logistics. Hầu hết các doanh nghiệp trên đều thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, trừ các doanh nghiệp quốc doanh và cổ phần có quy mô tương đối lớn (từ 100 - 300 nhân viên), số còn lại trung bình từ dưới 50 nhân viên, năng lực cạnh tranh và hoạt động còn hạn chế. Các công ty cung ứng dịch vụ logistics này có các trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, các dịch vụ cung ứng chủ yếu chỉ là mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai quan và dịch vụ xe vận tải, một số khác có thực hiện dịch vụ kho vận nhưng không nhiều. Các hoạt động cung ứng dịch vụ thiếu đồng bộ, manh mún và quy mô nhỏ, mức độ công nghệ chưa theo kịp các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường nội địa Việt Nam.
Thực trạng lực lượng lao động trong lĩnh vực dịch vụ này được tuyển chọn dựa trên một số ngành nghề chính như kinh tế, tài chính, GTVT, công nghệ thông tin và mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề cũng như chuyên môn. Theo báo cáo, trong vòng 3 năm tới, các doanh nghiệp logistics cần khoảng 18.000 nhân viên có trình độ chuyên môn cao và khoảng hơn 1 triệu lao động. Thực tế có khoảng 53,3% doanh nghiệp logistics thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ, 30% các doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% trong tổng số các doanh nghiệp logistics hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên trong công ty của mình.
Nguồn nhân lực hiện nay được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau. Đội ngũ quản lý được đào tạo và tái đào tạo, chủ yếu tích tụ kiến thức từ thực tiễn kinh nghiệm kinh doanh, phong cách lãnh đạo và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng chủ yếu từ những chuyên ngành ngoài logistics. Lực lượng lao động trực tiếp như bốc vác, xếp dỡ, lái xe, kiểm đếm hàng kho bãi thì đa số có trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp. Trong nguồn nhân lực logistics thì có đến 80,26% số người hoạt động trong lĩnh vực này học tập thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% lực lượng lao động tham gia các khóa học về logistics ở trong nước và 3,9% tham gia các khóa đào tạo quốc tế về logistics (Hình 1.1). Mặc dù nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn còn hạn chế nhưng chỉ có 6,9% các doanh nghiệp logistics thuê các chuyên gia nước ngoài để phục vụ cho hoạt động của mình.
Nguồn: Báo cáo của Bộ GTVT về thực trạng và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics tháng 12/2014
Hình 1.1: Thực trạng các phương pháp đào tạo logistics tại doanh nghiệp
Nguồn nhân lực của khu vực dịch vụ logistics tại Việt Nam được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó ở bậc đại học, các trường đào tạo chuyên ngành logistics hoặc sát với chuyên ngành logistics phải kể đến là: Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học GTVT Hà Nội. Ngoài ra, còn một số nhân lực tốt nghiệp từ các ngành đạo tạo khác của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hoặc Trường Đại học Hà Nội. Tuy nhiên, các trường này chỉ đưa vào giảng dạy môn học vận tải và bảo hiểm ngoại thương, chủ yếu tập trung vào giao nhận và vận tải biển.
Bên cạnh đó, còn có một số trung tâm đào tạo về lĩnh vực dịch vụ này. Khả năng đào tạo của mỗi trung tâm vào khoảng 50 - 120 nhân viên mỗi năm. Chương trình đào tạo thường tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như kinh doanh quốc tế, quan kệ kinh tế quốc tế, vận tải đa phương thức... Hiện nay có 2 trung tâm chính dưới sự quản lý của Bộ GTVT đã mở khóa học chuyên ngành về logistics, đó là:
- Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh: Tuyển sinh bắt đầu từ năm 2008 với 780 sinh viên, đến năm 2014 có 145 sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành này.
- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã hợp tác với Trường Đại học California (Mỹ), năm thứ 2 tuyển sinh 120 sinh viên; Chương trình đào tạo cử nhân quản trị logistics, năm thứ 3 tuyển sinh 382 sinh viên; Khóa học ngắn hạn về logistics trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông thu hút hơn 400 sinh viên.
Ngoài ra, một số hiệp hội và các nhóm doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngắn hạn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay các giảng viên tự do. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics trực thuộc VLA đã hợp tác với Hội đồng Cố vấn Giáo dục của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Quốc tế (FIATA) để đào tạo chương trình FIATA Diploma về “Quản lý giao nhận vận tải quốc tế” với bằng Diploma được công nhận trên toàn thế giới. Viện cũng tham gia trực tiếp trong Tiểu ban Giáo dục và Đào tạo của Hiệp hội Giao nhận các nước ASEAN (AFTA) để xây dựng chương trình đào tạo logistics chung cho các thành viên ASEAN. Viện còn kết hợp với các đối tác mở các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận, gom hàng đường biển, cùng với Trường Cao đẳng
Hải quan mở lớp đào tạo về đại lý khai quan. Về giao nhận hàng không, IATA thông quan Việt Nam Airlines đã tổ chức được một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi cấp bằng IATA có giá trị quốc tế. Dự án phát triển nguồn nhân lực trong ngành Logistics và ngành Hàng không quốc tế (International Logistics Aviation Service - ILAS) được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam với mục đích tìm kiếm và đào tạo nhân lực quản lý ngành Dịch vụ logistics và Hàng không, do Logistics Knowledge Company phối hợp cùng Work Global thực hiện, cũng đang trong giai đoạn tuyển sinh. Tuy nhiên, dường như các chương trình này vẫn không tiến triển do tính không chính thức và vấn đề chi phí đào tạo cao.
ĐÁNH GIÁ NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS
Hiện có 3 nhóm doanh nghiệp chính gồm: Nhóm doanh nghiệp nhà nước trước đây và đã cổ phần hóa gần đây (nhóm 1); nhóm doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (nhóm 2) và nhóm doanh nghiệp tư nhân (nhóm 3), theo đó nhận xét về nguồn nhân lực logistics trong các nhóm doanh nghiệp này như sau:
- Đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành: Nhóm 1 là nhóm có đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp tương đối lớn về quy mô và có thâm niên trong Ngành, chẳng hạn trong lĩnh vực Dịch vụ hàng hải, kho vận, đa số đạt trình độ đại học. Hiện nay, thành phần này đang được đào tạo và tái đào tạo để đáp ứng nhu cầu quản lý. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại phong cách quản lý cũ, chưa chuyển biến kịp để thích nghi với môi trường mới, thích sử dụng kinh nghiệm hơn là áp dụng khoa học quản trị hiện đại. Nhóm 2 phần lớn là các công ty mới thành lập có vốn đầu tư hoặc liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài nên đội ngũ cán bộ quản lý khá trẻ, năng động, có trình độ đại học và thường được các đối tác nước ngoài trực tiếp đào tạo nên trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cao. Tuy nhiên, do quá trình tự đào tạo mang tính mảng khối và bổ sung nghiệp vụ nên thiếu cái nhìn tổng quan về cả chuỗi dịch vụ và lợi ích tổng thể của các bên tham gia. Cuối cùng, nhóm 3 là nhóm các công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần mới thành lập gần đây. Nhóm này cũng có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, có trình độ đại học, nhiều tham vọng nhưng kinh nghiệm kinh doanh quốc tế và trình độ quản lý lẫn nghiệp vụ còn thấp, thường tìm kiếm tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn.
- Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ văn phòng: Là đội ngũ nhân viên chăm lo các tác nghiệp giao dịch khách hàng. Đội ngũ này phần lớn đều tốt nghiệp đại học, trong số đó đa số là từ các chuyên ngành gần với chuyên ngành logistics hoặc thậm chí không liên quan nên phải tự nâng cao trình độ nghiệp vụ trong quá trình làm việc, trừ nhóm nhân viên văn phòng trong các công ty liên doanh với nước ngoài. Ví dụ, APL Logistics hay NYK Logistics thường được công ty tổ chức đào tạo huấn luyện về nghiệp vụ. Lực lượng giảng dạy nghiệp vụ tại các công ty này là những cán bộ đang tại chức, là những người đang trực tiếp kinh doanh nên nhiều kinh nghiệm thực tế, tuy nhiên nảy sinh vấn đề về khả năng sư phạm và phương pháp truyền đạt. Điều này dẫn đến sự khập khiễng, chênh lệch về nghiệp vụ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ của nhân viên giữa các công ty. Lực lượng trẻ chưa tham gia nhiều vào hoạch định đường lối, chính sách, ít tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng và phát triển ngành nghề.
- Đội ngũ công nhân lao động trực tiếp tại các công ty vận tải, kho bãi, nhà xưởng: Đa số được đào tạo từ các trường nghề, công việc chủ yếu là bốc xếp, kiểm đếm ở các kho bãi, lái xe vận tải hoặc khai thác các thiết bị xếp dỡ tại các kho, bãi của cảng hoặc của các công ty. Mặc dù có được đào tạo nhưng kỹ năng làm việc chưa tốt, vẫn thiếu tác phong công nghiệp, tính kỷ luật lao động thấp so với nhân lực trực tiếp lao động ở một số các quốc gia đang phát triển khác.
Mặc dù vậy, nguồn nhân lực logistics cũng có những ưu thế, điểm mạnh riêng so với nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp logistics nước ngoài.
NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG TRÊN?
Đó chính là thiếu hệ thống đào tạo bài bản về dịch vụ logistics, sự thiếu chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư cho nguồn nhân lực (ít công khai nhu cầu tuyển dụng, ít tham gia các ngày hội việc làm không biết đối tượng tuyển dụng chính ở đâu); chưa có kế hoạch tuyển dụng định kỳ và lâu dài mà thường chỉ tuyển dụng khi nào cần và chỉ giải quyết yêu cầu trước mắt hơn là kế hoạch phát triển lâu dài; yêu cầu công việc chưa rõ và chưa đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu (thường bị chi phối bởi yếu tố quen biết hơn là ưu tiên chọn người giỏi, người tốt nghiệp từ các trường đại học lớn); chưa có chế độ lương thưởng, đãi ngộ phù hợp và chuẩn hóa (mô tả công việc không rõ ràng nên không đảm bảo công bằng trong đãi ngộ, thiếu quy trình đào tạo, tăng lương và đảm bảo phúc lợi lâu dài). Những điều đó khiến người lao động không có động lực thúc đẩy để trau dồi chuyên môn trình độ và kỹ năng làm việc của bản thân để trở nên chuyên nghiệp hơn.
Nguyên nhân khác nằm ở chính người lao động ngay từ khi lựa chọn ngành ngề đào tạo đã không hướng tới một công việc cụ thể nên thường thiếu các kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp; chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận các công ty logistics khi còn đang là sinh viên mà đa số chỉ bắt đầu quá trình tìm việc từ 3 - 6 tháng trước khi tốt nghiệp; thiếu sự gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên với lớp đàn anh đang làm việc tại các công ty dịch vụ logistics.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC LOGISTICS TỪ GÓC ĐỘ ĐÀO TẠO
Một số tiêu chí về đào tạo nguồn nhân lực logistics hiện nay là: Luôn nắm vững những tri thức, công nghệ mới; phát triển kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ; nâng cao trình độ nhận thức, sức khỏe cho người lao động.
Để phát triển nguồn nhân lực logistics trong quá trình hội nhập quốc tế, cần phải có những giải pháp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
* Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực logistics
Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển Dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đưa ra một số nội dung cụ thể về phát triển nguồn nhân lực:
Hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ logistics; tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức đào tạo, huấn luyện nâng cao kiến thức hiểu biết và kinh nghiệm quản trị cung ứng dịch vụ logistics cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp dịch vụ logistics.
* Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng
Việt Nam cần phải có một ngành học về logistics/quản trị chuỗi cung ứng được đào tạo chính quy, bài bản và có hệ thống tại các trường đại học thì nguồn nhân lực mới được cung ứng một cách bền vững và có chất lượng. Do đó, để phục vụ cho mục tiêu phát triển nguồn nhân lực dài hạn và bền vững, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hỗ trợ cho các trường mạnh mẽ hơn nữa trong việc cho phép mở ngành hoặc triển khai đề án như chương trình tiên tiến thực hiện thời gian qua.
Một thực tế hiện nay là đã có một số chương trình đào tạo ở bậc cử nhân, nhưng chưa thu hút được nhiều sinh viên thực sự giỏi, vì đầu vào đại học của các trường có chương trình đào tạo logistics chưa cao, trong khi nhóm các trường tốp trên thì lại chưa có chương trình đào tạo về lĩnh vực này một cách bài bản.
Bên cạnh chương trình đào tạo cử nhân, việc phát triển chương trình đào tạo thạc sỹ (thực hành) là hết sức cần thiết, vì đây là nguồn cung ứng chất lượng cao cho ngành Logistics.
* Tăng cường hợp tác giữa các bộ, ban, ngành liên quan tới dịch vụ logistics
Để thúc đẩy ngành Logistics phát triển một cách sâu rộng và toàn diện thì các bộ, ban, ngành có liên quan tới khu vực dịch vụ logistics cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ, đặc biệt là Bộ GTVT, Bộ Công thương, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan, VLA, VCCI... để có thể phân định rõ khả năng và trách nhiệm của mỗi bên trong chiến lược phát triển logistics nói chung và nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics nói riêng. Bộ GTVT cần phải phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp phát triển nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.
Mặt khác, các bộ, ban, ngành cũng cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học và các doanh nghiệp, tạo ra mối quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau để có được sự hỗ trợ cần thiết, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn.
Nhà trường cần nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển chuyên sâu đối với đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực Logistics. Nhà trường cần hoàn thiện khung chương trình đào tạo với định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới kết hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, dựa vào các thông tin và nhu cầu từ doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực thật hợp lý, cân bằng về cung và cầu.
Về phía doanh nghiệp logistics, cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học để giúp đỡ các trường đại học hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ; tuân thủ đúng theo định hướng của Nhà nước, đồng thời đào tạo và tái đào tạo cán bộ trong doanh nghiệp để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn; đưa nguồn nhân lực trong logistics trở nên cân bằng về trình độ.
* Phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn
Cần tiếp tục phát huy các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Các khóa học ngắn hạn này nên tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể của công việc hoặc đào tạo kiến thức tổng thể, nâng cao cho cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao của các doanh nghiệp và Nhà nước. Các khóa học nghiệp vụ sẽ giúp học viên ứng dụng kiến thức ngay vào công việc đang đảm nhiệm cũng như giới thiệu tác phong làm việc có kỷ luật và tính hợp tác cao của logistics. Do vậy, các khóa học này có vai trò quan trọng trong quá trình bổ sung nhanh nguồn nhân lực logistics. Các khóa học nâng cao giúp cán bộ quản lý có cái nhìn tổng quan toàn diện về chuỗi dịch vụ mà doanh nghiệp mình mong muốn cung cấp, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
* Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về logistics
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhà trường và doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, quảng bá về logistics; đưa khái niệm logistics trở nên phổ biến trong ngành kinh tế nói riêng và xã hội nói chung.
Về phía Nhà nước: Phổ biến và cung cấp các thông tin về chính sách, đường lối của Nhà nước trong công cuộc xây dựng một đội ngũ nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực Dịch vụ logistics. Bên cạnh việc đưa ra chính sách đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực thì việc tuyên truyền chính sách đó đến những tổ chức, cá nhân có nhu cầu cũng là điều hết sức quan trọng, cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào quan tâm đều có thể tham gia vào chính sách này, tạo ra hiệu quả triệt để, tận dụng tối đa được nguồn nhân lực.
Về phía nhà trường: Tiến hành tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: Tổ chức hội thảo, chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về logistics và các hoạt động diễn ra trong khu vực dịch vụ logistics; thường xuyên cập nhật các bản tin logistics trên các trang diễn đàn, fanpage của trường, khuyến khích sinh viên tham gia học hỏi và tìm hiểu về ngành dịch vụ còn nhiều tiềm năng này.
Về phía doanh nghiệp: Thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa các chuyên gia, nhà quản trị logistics chuyên nghiệp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics, các doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu cao về logistics; tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi về logistics; mời các chuyên gia, doanh nghiệp logistics hàng đầu của nước ngoài giao lưu, hội thảo, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và cập nhật kiến thức mới về logistics; lồng ghép qua các lớp tập huấn, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin như: Phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử.
* Đào tạo nguồn nhân lực logistics từ phía doanh nghiệp
Bên cạnh sự giúp đỡ đào tạo từ phía các hiệp hội, tổ chức, các trường đại học thì các doanh nghiệp logistics cũng cần phải có những chính sách đào tạo và xây dựng đội ngũ nhân viên, phát huy được sức mạnh của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp một cách tối ưu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và lâu dài. Muốn vậy, doanh nghiệp cần có một số chính sách thiết thực và chi tiết, cụ thể:
- Các doanh nghiệp nên thành lập hội đồng tuyển chọn và tổ chức tuyển chọn nguồn nhân lực cho doanh nghiệp mình; sàng lọc và đào thải một số cán bộ, nhân viên không đáp ứng yêu cầu công việc; bố trí sử dụng nguồn nhân lực vào các phòng chuyên môn theo đúng ngành nghề đào tạo và phù hợp với năng lực của họ; rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên trên các lĩnh vực như: Trình độ, giới tính, trình độ đào tạo; lập chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho người lao động.
Phát triển trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động logistics: Nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, tạo điều kiện cho người lao động học tập, làm việc tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục hải quan; đào tạo về công tác quản lý doanh nghiệp, cập nhật các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước; xác định rõ mục tiêu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo ngắn hạn và trung hạn, chọn lựa đúng đối tượng đào tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần đào tạo hoặc tái đào tạo một số kỹ năng khác như: Kỹ năng giao tiếp và tính toán tốt, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng máy vi tính, phần mềm văn phòng.
- Nâng cao nhận thức người lao động: Xuất phát từ nhu cầu phải nâng cao nhận thức của người lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức được thể hiện qua thái độ tích cực, hành vi đúng đắn với công việc và các quan hệ xã hội khác.
- Tạo động lực thúc đẩy người lao động: Tạo động lực thúc đẩy để đạt được sự hoạt động tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong công việc.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam hiện nay còn kém chất lượng, là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chất lượng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế. Nguồn nhân lực mặc dù dồi dào nhưng nguồn nhân lực có chất lượng thì lại rất hạn chế. Vì vậy, khâu đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics là vô cùng quan trọng. Việc xây dựng các chương trình đào tạo không những cho chương trình cử nhân, cao đẳng mà còn là cho chương trình cao học thực hành là việc làm cần thiết của các trường. Về phía doanh nghiệp, chương trình đào tạo và tái đào tạo cho cán bộ, nhân viên cũng cần được nêu trong chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, sự quan tâm hỗ trợ mạnh mẽ, sự phối kết hợp từ cơ quan, bộ, ngành là không thể thiếu để góp phần vào sự thành công trong đào tạo nguồn nhân lực cho Ngành.
Điểm mạnh của nguồn nhân lực logistics
Do xuất phát từ thực tiễn là thị trường dịch vụ logistics mới phát triển trong những năm gần đây nên nguồn nhân lực có điểm mạnh nổi trội là nhân lực trẻ, năng động, ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng chịu thử thách cũng như rủi ro. Thị trường lao động trẻ mang lại tiềm năng nhân lực lớn nếu được đào tạo quy củ và bài bản. Bên cạnh đó, Việt Nam với mức dân số đang ở giai đoạn trẻ nên nguồn nhân lực khá dồi dào và giá tương đối rẻ. Đây là một thuận lợi mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics đang thiếu nguồn nhân lực cần phải chú trọng khai thác triệt để và phát huy với khả năng có thể.
Người lao động Việt Nam vốn có bản chất thông minh, nhanh nhẹn, có truyền thống chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, những lao động trong Ngành cũng mang trong mình những bản chất vốn có.
Mặt khác, xét về trình độ, phần lớn khối nhân viên văn phòng làm trong các công ty dịch vụ logistics đều tốt nghiệp đại học, đây cũng là một thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực cho khối dịch vụ này.
Điểm yếu của nguồn nhân lực logistics Việt Nam
Một điểm đáng quan tâm là ở Việt Nam thiếu các chương trình đào tạo về logistics mang tính quy mô và chính quy. Tính đến cuối năm 2014, ở Việt Nam mới có Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học GTVT Hà Nội, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có đào tạo Cử nhân về Quản trị logistics và Vận tải đa phương thức. Trong bảng mã ngành học của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có mã ngành logistics hay quản trị chuỗi cung ứng. Do vậy, cách thức đào tạo chủ yếu được thực hiện thông qua các khóa học ngắn ngày tổ chức bởi các viện nghiên cứu, các trung tâm đào tạo logistics hoặc các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, hoặc do các công ty tự tổ chức đào tạo nhân lực cho mình. Môn học logistics hoặc liên quan đến logistics tại các trường đại học của Việt Nam có nội dung hạn chế (khoảng 15 - 45 tiết trên 1 môn học liên quan). Với thời lượng môn học ngắn nên các bài giảng về logistics chỉ tập trung giới thiệu những khái niệm chính như logistics là gì hoặc chủ yếu giới thiệu về logistics kinh doanh chứ không đi sâu vào mảng dịch vụ logistics. Các nghiệp vụ logistics chưa được xây dựng thành môn học. Các kỹ thuật giao nhận hiện đại như vận tải đa phương thức, kỹ năng quản trị chuỗi cung ứng, các khái niệm mới như "one stop shop", "Just in time"... ít được cập nhật. Tính thực tiễn của chương trình giảng dạy không cao, làm cho người học chưa thấy hết vai trò và sự đóng góp của dịch vụ logistics vào nền kinh tế.
Ngoài ra còn phải kể đến một thực tế là các giảng viên phần lớn đều tự đọc tự nghiên cứu thông qua một số tài liệu ít ỏi trên thị trường nên chất lượng chuyên môn còn có những hạn chế nhất định. Các chuyên gia đào tạo về lĩnh vực này còn quá ít so với yêu cầu phát triển dịch vụ. Phần lớn kiến thức mà cán bộ, công nhân viên trong Ngành có được là từ thực tiễn khi làm đại lý hoặc đối tác cho các công ty nước ngoài chuyên làm dịch vụ này. Hiện tại, nhân lực trong lĩnh vực này, ngoài một số rất ít được đào tạo bài bản ở nước ngoài, số còn lại chủ yếu làm theo sự quen việc và dựa trên kinh nghiệm. |