Mục tiêu xuất khẩu 31 tỉ USD dệt may trong năm nay rất khó đạt khi mà đơn hàng không còn dồi dào và bị cạnh tranh gay gắt
Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may cho biết hiện nay tình hình đơn hàng không còn dồi dào như trước. DN đang phải cạnh tranh khốc liệt với các thị trường như Campuchia, Bangladesh, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ...
Chi phí đầu vào liên tục tăng
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam ước đạt 10,7 tỉ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của dệt may xuất khẩu trong nhiều năm qua và chỉ mới đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu.
Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu dệt may những tháng đầu năm, ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may quốc tế Thắng Lợi, cho biết đơn hàng bị hụt, nhiều thời điểm còn khó và không dồi dào như trước. Đơn giá xuất khẩu không tăng nhưng giá nhân công ngành may của Việt Nam “không còn rẻ”. Các chi phí đầu vào, BHXH tăng cao càng khiến DN gặp khó. Bức tranh xuất khẩu 6 tháng cuối năm không mấy suôn sẻ.
Ông Phạm Xuân Trình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Phong Phú, phân tích: Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may khoảng 5%-6% nhưng doanh thu chỉ tăng 2,5%-3% cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường thế giới về giá. Riêng ngành sợi, thời gian qua cũng rất khó khăn do giá xuất khẩu sợi giảm mạnh nhưng giá nguyên liệu đầu vào là bông lại tăng. “Từ nay đến cuối năm, tình hình cũng không khả quan khi một số DN may cho biết đơn hàng không dồi dào, cả sản phẩm may mặc bán ra cũng không tốt như năm ngoái” - ông Trình lo ngại.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Phạm Xuân Hồng cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu dệt may không như kỳ vọng, thậm chí “hơi u ám” khi nhu cầu thế giới không tăng và một số thị trường như EU còn khó. Đồng euro giảm giá mạnh khiến một số nhà nhập khẩu muốn tìm thị trường xuất khẩu có đơn giá rẻ hơn như Bangladesh, Campuchia hay Myanmar. Kết quả, dệt may Việt Nam bị cạnh tranh đơn hàng khốc liệt bởi các thị trường này do giá nhân công thấp (tại Campuchia chỉ khoảng 80-100 USD/người/tháng, trong khi Việt Nam lên đến 150-180 USD). Campuchia cũng được ưu đãi thuế nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ 0%, trong khi Việt Nam phải chịu thuế khoảng 17%.
“Những đơn hàng trung bình, chất lượng thấp của các nhà nhập khẩu đã dịch chuyển khỏi Việt Nam sang Campuchia, Myanmar. Ngoài ra, một số DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng cường mở rộng quy mô sản xuất càng khiến đơn hàng bị “san sẻ”, DN trong nước phải cạnh tranh khốc liệt hơn” - ông Hồng lý giải.
Bị đối thủ lấn lướt
Trong khi kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chựng lại thì nhiều nước lại tăng khá. Trước đây, Bangladesh chỉ may xuất khẩu, giờ có cả dệt và nhuộm. Pakistan trước đây chỉ làm sợi, nay làm cả vải, nhuộm. Đáng lưu ý, một bất lợi với DN Việt Nam là trong khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta tham gia chưa biết khi nào có hiệu lực thì các nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp dệt may xuất khẩu với Việt Nam lại “đi trước một bước” với những chính sách hỗ trợ DN nội địa của họ.
Cụ thể, DN của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... có thuận lợi khi thuế thu nhập DN của họ thấp hơn Việt Nam; các chi phí BHXH cũng thấp hơn và phá giá đồng tiền nhiều hơn. Ấn Độ từ đầu năm đến nay phá giá đồng tiền hơn 14% so với năm ngoái, giúp DN nước này vẫn xuất khẩu tốt. “Việt Nam theo xu hướng ổn định tỉ giá nên xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi chi phí từ vận chuyển, thủ tục, bảo hiểm đều cao khiến khả năng cạnh tranh rất khó so với các nước” - ông Phạm Xuân Trình phân tích.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều có nhiều giải pháp tích cực để giảm chi phí đầu vào cho DN nhằm khắc phục những bất lợi mà họ phải chịu do không là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không có lợi ích thuế vào 2 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và Nhật. Trung Quốc đã tiến hành chương trình “những nền tảng dịch vụ chung cho các cụm công nghiệp tiêu biểu”, áp dụng với 7 lĩnh vực, trong đó có dệt may, như: các khoản trợ cấp thông qua hình thức tài trợ hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí, giảm giá từ chính quyền trung ương và địa phương...
Trong kế hoạch ngân sách 2016-2017, Ấn Độ cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu một số loại xơ, sợi nguyên liệu; miễn thuế nhập khẩu một số loại vải phục vụ hàng may mặc xuất khẩu. Bangladesh trong năm tài chính 2016-2017 cũng có nhiều ưu đãi cho ngành dệt may: giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu. Pakistan thậm chí còn áp dụng mức thuế 0% (không cần nộp thuế, hoàn thuế tiêu thụ/GTGT) đối với nguyên phụ liệu dệt may trong 2 năm tới, lập quỹ nâng cấp công nghệ cho ngành dệt may nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chủ lực của nước này.
“Trong khi TPP chưa có hiệu lực thì giải pháp của các nước cạnh tranh có tác dụng ngay sẽ làm đơn hàng đã, đang có xu thế không tăng ở Việt Nam” - đại diện Vinatex nhận xét.
Tìm cách ứng phó Brexit
Việc Vương quốc Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit) dù không tác động trực tiếp và ngay tức thì nhưng sẽ khiến hoạt động xuất khẩu dệt may sang Anh và khu vực này gặp khó hơn. Theo ông Phạm Xuân Hồng, EU là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng mấy năm qua tình hình không khả quan do kinh tế khu vực này chưa hồi phục. Nay Anh rời EU, những DN Việt xuất khẩu 100% hàng đi nước này hoặc DN chuyên làm hàng đi châu Âu sẽ bị tác động trực tiếp. Đồng bảng Anh, euro mất giá và sức tiêu dùng của khu vực này giảm sút sẽ càng ảnh hưởng tới ngành dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
“Các DN đang theo dõi tình hình để tìm giải pháp ứng phó phù hợp” - ông Hồng cho biết.
Theo báo Người lao động.