Đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh ước tính cần nguồn vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) để hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị. Thế nhưng nguồn vốn công phân cấp cho thành phố còn nhiều bất cập. Vì thế, hội thảo: “Các giải pháp huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2021” vừa được tổ chức đã đặt ra vấn đề: Để phá bỏ rào cản ì trệ, TP Hồ Chí Minh cần một cơ chế đặc thù trong huy động nguồn vốn từ nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển.
Nhiều lực cản
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ, để huy động được nguồn vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Bởi thời gian qua, quỹ đất đô thị của TP Hồ Chí Minh bị thất thoát quá nhiều, trong khi quỹ đất công, nhà công còn rất lớn thì đang lãng phí. Mặt khác, nguồn lực không nhỏ tại các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để đầu tư cho hạ tầng lại chưa được phát huy. “Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 1% thì tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng phải đạt 2%. Thế nhưng, do nguồn vốn có hạn, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm tới hơn 55.600 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 3,3%. Đây là một sự bất cập giữa yêu cầu thoái vốn ngân sách cho đầu tư với tốc độ tăng trưởng kinh tế”, TS Trần Du Lịch nhận định.
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Tài chính (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), bình quân một năm TP Hồ Chí Minh tăng trên 200 nghìn người, gần bằng số dân của một quận trung bình. Điều này trực tiếp gây quá tải cho hệ thống hạ tầng đô thị. Trong khi, nguồn lực được phân cấp để TP Hồ Chí Minh chi cho đầu tư phát triển chưa tương xứng với khả năng tạo nguồn thu cũng như yêu cầu phát triển. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo dẫn chứng, khoảng 2 thập kỷ qua, dù tạo ra gần 20% tổng thu nhập quốc dân và hơn 30% ngân sách quốc gia nhưng thành phố chỉ được giữ lại chưa đến 25% nguồn thu. Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng trầm trọng; nguồn nước và môi trường sinh thái đang bị đe dọa; y tế, giáo dục quá tải; thủ tục hành chính nhũng nhiễu… đang gióng lên hồi chuông báo động tình trạng quá tải của TP Hồ Chí Minh. “Những bất cập này đang tạo ra một khuôn khổ pháp lý ngày càng “chật chội” so với tốc độ chuyển mình ngày càng nhanh chóng của thành phố”, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhận định.
Cũng theo các đại biểu, TP Hồ Chí Minh đang chủ trương phát triển thành đô thị cảng biển, đô thị đa trung tâm để xứng đáng với tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông”. Tuy nhiên, những bất cập từ hạ tầng giao thông đã, đang tạo lực cản lớn cho hướng đi này. Đơn cử, tại các tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Vành đai 2, xa lộ Hà Nội kết nối cảng Cát Lái (cảng container lớn nhất nước), hằng ngày diễn ra tình trạng kẹt xe khủng khiếp, gây thiệt hại vô cùng lớn về mặt kinh tế. Còn khu cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nhiều năm qua không phát triển do thiếu đường kết nối. Điều đáng nói, sự ách tắc trong việc tìm vốn để phát triển hạ tầng là “vòng kim cô” tồn tại nhiều năm nay.
TS Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đề xuất 7 nhóm giải pháp gồm: Thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, vốn tín dụng, vốn huy động từ dân; đa dạng hóa các thành phần kinh tế; huy động vốn qua kênh Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC); thu hút từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạo vốn qua hình thức đấu thầu quyền sử dụng đất; khai thác phát triển quỹ đất hai bên đường mới mở; đầu tư đường nội bộ sau khi thu hồi đất, tăng giá trị bán đấu giá.
Hợp tác công tư - giải pháp gỡ nút thắt
Theo PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, hiện nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là vốn ODA, vốn tài trợ, vốn vay… nhưng do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nguồn này có xu hướng ngày càng thu hẹp. Mặt khác, việc giảm chi tiêu công để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô ảnh hưởng tới chi ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng. “Mô hình đầu tư công - tư (PPP) hiện là giải pháp hữu hiệu cho bài toán khó về vốn nói trên. Từ đó sẽ thu hút vốn đầu tư tư nhân nhằm hỗ trợ sự thiếu hụt về tài chính cho Chính phủ; tăng năng suất và sử dụng các nguồn lực có sẵn một cách có hiệu quả; gia tăng hiệu quả các dự án”, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt đề xuất.
Tương tự, theo TS Trần Du Lịch, cần phải xã hội hóa bằng các giải pháp như, dựa vào nguồn đất công để thực hiện đổi đất lấy hạ tầng. Tận dụng các doanh nghiệp nhà nước hay các công ty đầu tư làm “vốn mồi” để huy động các nguồn lực khác. Trong đó, phương thức hợp tác công - tư (PPP) được xem là “chìa khóa” gỡ nút thắt. Và để phương thức này phát huy hiệu quả đòi hỏi chính quyền TP Hồ Chí Minh phải mạnh dạn kiến nghị để có hình thức pháp lý cao hơn, khi đó nhà đầu tư mới yên tâm bỏ tiền đầu tư.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, nếu Trung ương không tạo cho thành phố một “chiếc áo” cơ chế và chính sách đặc thù phù hợp với tầm vóc, yêu cầu phát triển mà thành phố phải tự loay hoay trong một khuôn khổ chung đã trở nên quá chật chội thì chắc chắn tất cả giải pháp hoặc khuyến nghị đều trở nên vô nghĩa.
Theo báo HàNộimới