Bộ Công Thương cho biết để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% là nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm. Tuy nhiên Thủ tướng chỉ đạo cần phải giữ vững mục tiêu này, Bộ Công Thương phải tập trung mở rộng thị trường, đầu tư.
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 82,24 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước). Đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay.
Lý giải về tăng trưởng thấp, Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng thấp chủ yếu do giá xuất khẩu giảm 6,3%, bao gồm cả giảm giá dầu thô và giá xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến.
Nếu loại trừ yếu tố giá giảm, thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 10,1% (mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước 13,4%) nhưng là mức cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra của năm 2016).
Đáng lo ngại, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may, khoáng sản, nông sản, thủy sản...gặp nhiều khó khăn
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu giảm do cung trong nước và cầu nước ngoài cùng giảm sút, giá xuất khẩu lại duy trì ở mức thấp thì tốc độ này là khá tích cực. Đặc biệt là nếu so sánh với các nước trong khu vực đều có xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng âm hoặc chỉ đạt mức tương đương năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 7,6%; Ấn Độ xuất giảm 8%; Braxin giảm 3,4%; Indonesia giảm 13,6%). Điều này đã thể hiện nỗ lực lớn của các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Các nhóm hàng có tăng trưởng xuất khẩu
- Nhóm hàng nông sản, thủy sản: Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%, đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ (cùng kỳ năm ngoái giảm 8,9%).
Mức tăng thêm 116 triệu USD so với cùng kỳ của nhóm này mặc dù có ý nghĩa trong việc đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, nhưng quan trọng hơn là đã cho thấy năng lực sản xuất và khai thác thị trường của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang rất tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh sụt giảm về cầu trên thế giới. Đây là yếu tố quan trọng góp phần kim ngạch xuất khẩu của nhóm này trong 6 tháng cuối năm.
- Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Kim ngạch xuất khẩu giảm 38,7% so với cùng kỳ năm 2015 chủ yếu do xuất khẩu dầu thô giảm mạnh cả về lượng và giá xuất khẩu. KNXK nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm 867 triệu USD do giá xuất khẩu giảm, giảm 184 triệu USD do lượng xuất khẩu giảm.
- Nhóm hàng công nghiệp chế biến: Đây là nhóm hàng có độ nhạy cao với tổng cầu và khi tổng cầu suy giảm sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn nhóm nông sản. Tuy nhiên, so với các nhóm hàng khác thì đây cũng là mức tăng trưởng khá tích cực. Đây là nhóm hàng hóa chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, song với mức tăng trưởng không cao so với cùng kỳ đã không thể là cứu cánh để kéo kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước tăng lên.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất và vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm vào thị trường này đạt 12,8% (cùng kỳ năm trước đạt 18,6%), chiếm tỷ trọng 21,5% tổng KNXK cả nước (cùng kỳ năm trước chiếm 20,2%).
Tiếp đến là thị trường EU tăng 9,8% (cùng kỳ năm trước tăng 11,6%) và chiếm tỷ trọng 19,8% tổng KNXK (cùng kỳ năm trước chiếm 19%).
Thị trường Trung Quốc tăng 14,3% (cùng kỳ năm trước tăng 13,6%), chiếm tỷ trọng 11,1% (cùng kỳ năm trước chiếm 9,9%).
Bộ Công Thương cho biết nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu có thể thấy nỗ lực trong các biện pháp giữ vững trọng tâm khai thác các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang tiếp tục phát huy hiệu quả tốt.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ hơn về nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tăng chậm lại.
"Bộ Công Thương phải quyết liệt thực hiện các giải pháp như tiếp tục mở rộng thị trường, nâng cao vai trò các thương vụ ở nước ngoài. Để có thể tăng trưởng bền vững, cần kích thích đầu tư để tạo ra năng lực sản xuất mới. Đặc biệt phải chú trọng cải cách thể chế, xây dựng cơ chế chính sách tốt để giúp doanh nghiệp hạ giá thành, nâng cao sức cạnh trạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Người Đồng Hành