Các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, quản lý đô thị… vẫn đang xử lý theo lợi ích cục bộ của địa phương là nguyên nhân cản trở sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Sáng 18-8, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề kết nối giao thông các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phát triển chưa tương xứng
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh La Thăng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - cho rằng lâu nay, chúng ta nói liên kết vùng nhưng chưa có cơ chế điều hành thực sự, từ đó chưa có giải pháp phù hợp. Các vấn đề nội vùng được giải quyết một cách phân tán theo lợi ích của từng địa phương. “Chúng ta cứ bắt tay nhau thế thôi chứ thực tế lợi ích địa phương nào thì nghĩ cho địa phương đó. Lãnh đạo các địa phương phải đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông tốt hơn, sớm hơn. Tuy nhiên, quan trọng là dự án phải đặt lợi ích vùng lên trên hết” - ông Thăng nhận định.
Ông Đinh La Thăng cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước. Trong những năm qua, tốc độc tăng trưởng kinh tế của vùng gấp 5 lần cả nước. “Thế nhưng, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, hệ thống quản lý đô thị và quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển. Chưa giúp nâng cao năng lực tăng trưởng và cạnh trạnh, nguồn lực phân tán” - ông Đinh La Thăng nhận định. Theo Bí thư Thành ủy, cơ chế phát triển còn hạn chế, các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, quản lý đô thị… vẫn đang xử lý theo lợi ích cục bộ của địa phương là nguyên nhân cản trở sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Đinh La Thăng đề nghị sau buổi họp này phải có những dự án triển khai cụ thể như nâng cấp Quốc lộ 22, thực hiện cao tốc TP HCM - Mộc Bài, triển khai mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 50…
Thu hút vốn đầu tư
Trong khi đó, dù đánh giá cao một số dự án giao thông lớn trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế vùng phía Nam nhưng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng khách quan mà nói, các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai rất chậm so với quy hoạch. “Tiêu biểu là đường Vành đai 3, Vành đai 4 ở khu vực TP HCM. Điều này gây khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa của các địa phương ra khu vực cảng, đẩy chi phí vận tải lên cao. Cụ thể, đầu tư cụm cảng Cái Mép - Thị Vải nhưng giao thông kết nối còn nhiều hạn chế nên không thể khai thác hiệu quả cụm cảng này. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm đến 60% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước nên hạn chế về giao thông ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực” - ông Đông nói và cho rằng điểm mấu chốt là phải tìm ra điểm nghẽn của kết nối giao thông trong khu vực, như việc nâng cao tĩnh không các cầu để khai thác giao thông thủy, hỗ trợ cho giao thông đường bộ là hết sức quan trọng. Một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đề nghị kết nối tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP HCM. Bên cạnh đó, cũng phải làm tốt các tuyến đường vành đai để đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận khó khăn nhất đối với phát triển hạ tầng giao thông chính là nguồn lực và công tác tổ chức phối hợp thực hiện.
Đồng quan điểm, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng các địa phương phải rà soát, cập nhật và bổ sung các quy hoạch đầu tư giao thông trên địa bàn. Phải có nhiều cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư như hình thức PPP (đối tác công - tư), BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao)… Trên cơ sở lợi ích vùng, các địa phương cũng phải thống nhất phương án đầu tư, thu hút vốn và ưu tiên dự án nào triển khai trước.
Kết nối cả cứng và mềm
Ông Đinh La Thăng khẳng định kết nối chính là yếu tố quyết định cho việc phát triển kinh tế vùng. Kết nối phải bao gồm cả kết nối cứng (giao thông, logistics, chống tội phạm…) và kết nối mềm (thể chế, chính sách, giáo dục - đào tạo, dịch vụ tài chính…). Trước mắt, phải xây dựng được chính sách phát triển, cơ chế điều phối. TP HCM không thể điều phối các tỉnh khác mà ít nhất phải là Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo điều phối. “Hiện nay, chờ vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA thì rất mất thời gian. Nếu không tiếp tục huy động nguồn lực tại chỗ, vốn xã hội thì rất khó phát triển hạ tầng giao thông cho vùng. Để chống tham nhũng, lãng phí cũng như ùn tắc giao thông, các dự án BOT phải thu phí tự động và công khai, minh bạch…” - ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Theo Người lao động.