|
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa đưa ra những quan điểm về Quyết định số 200 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt là một bước đột phá mới đối với lĩnh vực logistics của Việt Nam.
“Bước đột phá trong logistics”
Quyết định 200 đã phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%; Thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng nhằm mục đích xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực; Hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, quy mô lớn.
“Đây được coi là bước đột phá mới đối với lĩnh vực logistics của Việt Nam, một lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Kế hoạch hành động được cho rằng sẽ mang lại luồng gió mới cho sự phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới”, văn bản nêu.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dịch vụ logistics có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là ngành được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 nêu trong các ngành trọng điểm phát triển đất nước 5 năm 2016-2020.
Việc ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời.
“Một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng.
Đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi”, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá đây là bước đi quan trọng, nền tảng để Nhà nước và doanh nghiệp cùng triển khai những công việc lớn, tạo đà cho ngành logistics phát triển trong thời gian tới.
Đón đầu làn sóng logistics tăng cao thời gian tới
Theo cam kết WTO, từ năm 2014, hầu hết các dịch vụ logistics đều được dỡ bỏ rào cản cho các doanh nghiệp nước ngoài được gia nhập thị trường với mức vốn 100%.
Tự do hóa trong lĩnh vực logistics theo yêu cầu của WTO vừa là cơ hội khi các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận những kinh nghiệm trong quản lý mạng lưới logistics toàn cầu nhưng cũng là thách thức khi doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển nguồn lực theo chiều sâu để có thể đủ sức cạnh tranh một cách nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Việt Nam đang trong quá trình mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng. Việc gia nhập hàng loạt các sân chơi, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như AEC, FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc hay với Liên minh thuế quan, FTA với các nước EU… là cơ hội để logistic vươn lên tầm cao mới song cũng đặt ra những sự đổi mới để cạnh tranh.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan về mức độ phát triển logistics. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 đến 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam thời gian qua.
“Trong thời gian tới, nhu cầu về dịch vụ logistics trọn gói, chất lượng cao, phạm vi toàn cầu sẽ ngày càng tăng. Các quốc gia trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã xây dựng Kế hoạch phát triển logistics và thành lập các cơ quan giúp Chính phủ phát triển ngành dịch vụ logistics”, Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Chẳng hạn, Thái Lan với mục tiêu thành trung tâm dịch vụ logistics của các nước Đông Dương đã xây dựng loạt các kế hoạch hành động để hiện thực hoá kế hoạch đó.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam còn thấp, chi phí cao, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu hụt nhân lực… Dịch vụ logistics nói chung của Việt Nam còn thấp và giảm về thứ bậc so với thế giới.
Theo VnEconomy
|