Phiên giao dịch ngày 6-3, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết ở mức cao 22.246 đồng/USD. Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tỉ giá USD/VNĐ có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm chủ yếu do nhập siêu.
Tỉ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ở mức 22.246 đồng/USD trong 3 phiên gần đây, tăng 88 đồng/USD so với hồi đầu năm 2017.
Giá USD trong các NH thương mại phiên ngày 6-3 được giao dịch phổ biến mua vào 22.760 đồng/USD, bán ra 22.830 đồng/USD, giảm 35 đồng mỗi USD so với phiên trước nhưng vẫn tăng khá mạnh với khoảng 165 đồng mỗi USD so với phiên trước.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tỉ giá có xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm chủ yếu do nhập siêu. Mức nhập siêu trong 2 tháng đầu năm là 46 triệu USD, trong khi cùng kỳ các năm trước cán cân thương mại thường xuất siêu. Cụ thể, trong các năm 2013-2016, cán cân thương mại của Việt Nam có mức xuất siêu khá lớn từ 61 triệu USD tới 1,67 tỉ USD.
Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, nếu tháng 1-2017 cán cân thương mại cả nước xuất siêu 1,15 tỉ USD thì trong tháng 2 mức nhập siêu lên tới 1,2 tỉ USD do sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán các doanh nghiệp thường bắt đầu vào chu kỳ sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất cao hơn tháng trước.
*Liên quan đến giá vàng trong nước phiên ngày 6-3, giá vàng SJC hiện được giao dịch quanh mức 36,57 triệu đồng/lượng mua vào, 36,82 triệu đồng/lượng bán ra, giảm khoảng 60.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước. Giá vàng trong nước ổn định khi giá thế giới cũng biến động trong vùng hẹp quanh ngưỡng 1.233 USD/ounce.
Thị trường vàng thế giới ít biến động khi giới đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách sắp tới của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nếu Fed tăng lãi suất trong phiên họp này, giá vàng sẽ có thể giảm mạnh.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết tương đương 34 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 2,6 triệu đồng/lượng.
Theo báo Người lao động.