Hà Nội đặt chỉ tiêu năm 2017 tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là 11,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016. Để hoàn thành chỉ tiêu này, TP Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cũng như hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5 ước đạt 1,088 tỷ USD tăng 1,1% so tháng trước và tăng 13,7% so cùng kỳ. Trong tháng 5, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là điện tử tăng 139,4%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 39,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 74,9%. Lũy kế năm tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,73 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương ước đạt 3.924 triệu USD tăng 14,3%.
Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, tình hình xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn có những khó khăn nhất định. Để xuất khẩu đạt mức 11,1 tỷ USD như chỉ tiêu Hà Nội đặt ra là điều không dễ dàng. Bởi ngoài tác động từ tình hình thế giới, sự cạnh tranh quyết liệt, việc gia nhập các hiệp định thương mại buộc phải xóa bỏ độc quyền, mở cửa thị trường trong nước; ngoài nhóm hàng đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu năm tháng là hàng điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị ngoại vi, phương tiện vận tải… thì một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ như nông sản giảm 12,7%, dệt may giảm 2,2%, giày dép các loại giảm 2,1%, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh giảm 0,8%. Đáng lưu ý, hiện nay vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp có nguồn nhân công chưa được đào tạo bài bản, hoặc thiếu lao động có tay nghề cao... dẫn đến năng suất thấp so với các nước trong khu vực. Các mặt hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu riêng để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết, Hà Nội xác định, trong năm 2017, xuất khẩu phải tăng cùng với khu vực sản xuất công nghiệp tăng, doanh thu dịch vụ, du lịch tăng để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế phát triển. Do đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tháng 4-2017, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, tập trung vào 10 giải pháp. Trong đó, bốn nội dung cần chú trọng là, thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chú trọng vào lĩnh vực hải quan, thuế, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu; ứng dụng rộng rãi hơn việc thực hiện các thủ tục hành chính qua in-tơ-nét, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ hai, xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, hoàn thành Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ, kế hoạch phát triển thương mại điện tử, đề án quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thứ ba, đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, theo hướng: xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch năm 2017, định hướng đến năm 2020 theo hướng chiến lược, nâng tầm nhìn, dự đoán thị trường, chú trọng đến công tác xúc tiến tại nước ngoài. Thứ tư, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa…, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo nhandan.com.vn
|