|
Sri Lanka bán hải cảng trị giá 1,2 tỷ USD cho Trung Quốc, Campuchia cho Bắc Kinh thuê bờ biển suốt 100 năm.
AP thông tin, Chính phủ Sri Lanka ngày 25/7 đã thông qua một thỏa thuận bị trì hoãn lâu nay về việc bán 70% cổ phần tại cảng Hambantota do Trung Quốc xây dựng trị giá 1,2 tỷ USD cho Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ trưởng Hải cảng và Vận tải biển Sri Lanka Mahinda Samarasinghe cho biết nội các đã thông qua thỏa thuận được ký kết giữa Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka và công ty quốc doanh Trung Quốc China Merchants Holding Co. hồi cuối tuần qua.
Công ty Trung Quốc sẽ đảm nhận các hoạt động thương mại và đầu tư 1,12 tỷ USD vào cảng biển nằm gần với các tuyến vận tải biển quan trọng này.
Được biết, cảng Hambantota có tiềm năng trở thành một phần quan trọng trong tuyến thương mại hàng hải quốc tế, nối châu Á và Trung Đông.
Một số quốc gia lo ngại cảng Hambatota có thể trở thành trung tâm quân sự của Trung Quốc. Đặc biệt là Ấn Độ.
Ấn Độ coi Sri Lanka là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và nghi ngờ sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của hòn đảo này.
Dự án Hải cảng Hambantota lại là một con cờ trong chiến lược đầu tư của Trung Quốc. Cảng này được bắt đầu xây dựng từ năm 2008, bằng vốn vay của Trung Quốc và đi vào hoạt động năm 2011 nhưng bị thua lỗ nặng nề. Theo thỏa thuận khung ban đầu, Trung Quốc sẽ được mua bán 80% cổ phần của cảng.
|
Hải cảng Sri Lanka nằm trong chiến lược "Chuỗi ngọc trai trên biển" của Trung Quốc |
Hải cảng là một trong nhiều mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới ở các quốc gia ven biển.
Financial Times hồi đầu năm 2016 đăng tải thông tin, Campuchia đang trở thành đồng minh cả trên phương diện ngoại giao lẫn quân sự của Trung quốc ở khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện rõ nhất qua các dự án quân sự mà Trung Quốc đổ vào Campuchia.
Trong đó, đáng chú ý là cảng nước sâu do Tập đoàn ở Thiên Tân là Tianjin Union Development Group (UDG) Trung Quốc xây dựng tại tỉnh Koh Kong của Campuchia.
Dự án cải tạo cảng này này có tên là Dara Sakor, bao gồm kế hoạch xây một sân bay quốc tế, các bệnh viện, trường quốc tế, khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao, đã được lãnh đạo quân sự của hai nước thông qua vào năm 2008, với thời hạn sử dụng là 99 năm.
Công trình được cấp nguồn vốn 3,8 tỉ USD, do UDG - một công ty được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn là nhà đầu tư. Bắc Kinh đã ký với Phnom Penh hợp đồng thuê cảng này với diện tích 360 km2, chiều dài lên tới 90 km, chiếm 20% đường bờ biển của Campuchia.
|
Trung Quốc kết nối dự án kênh đào Kra tại Thái Lan với cảng nước sâu ở bờ biển Campuchia thành một khu quân sự lớn trên biển? |
Trung Quốc không bình luận về khả năng họ sử dụng cảng nước sâu này vào mục đích quân sự nhưng chuyên gia về các vấn đề châu Á của Đại học Quốc gia Australia (ANU) là ông Geoff Wade cho biết, cảng mới tại Campuchia có thể giữ vai trò quan trọng trong âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Ông cho rằng đây chỉ là một phần trong kế hoạch đầu tư xây dựng cảng của Trung Quốc tại các quốc gia như: Cảng Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Kyaukpyu ở Myanmar và Chittagong ở Bangladesh, cũng như các cảng khác ở Thailand và Indonesia.
Việc đầu tư xây dựng các hải cảng ở nước ngoài là một phần trong chiến lược xây dựng "Chuỗi ngọc trai trên biển" của Trung Quốc. Đây là kế hoạch xây dựng vành đai căn cứ quân sự chạy từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, sang Ấn Độ Dương và tới tận bờ biển châu Phi.
Theo báo Đất Việt.
|