Chia sẻ tại Hội thảo "Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách cho tăng trưởng" tổ chức ở Hà Nội sáng nay (19/9), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù Chính phủ và một số bộ chuyên ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương ráo riết kiến nghị, sửa đổi các điều kiện gia nhập thị trường, rào cản kinh doanh và giảm thu thuế... nhưng thị trường vẫn còn nhiều điểm nghẽn đối với tăng trưởng.
Thuế, phí đè nặng lên doanh nghiệp
Dẫn chứng cho câu chuyện rào cản kinh doanh, ông Tuấn nêu ví dụ điển hình là việc Hải Phòng áp đặt thu phí hạ tầng cảng biển vừa rồi. Mặc dù doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng dư luận phản đối song, với lý lẽ riêng của mình, Hải Phòng vẫn quyết định thu phí hạ tầng đối với các doanh nghiệp vận tải, đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng từ cảng Hải Phòng.
Lý do Hải Phòng đưa ra là lấy phí để bù đắp chi phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nhưng với cách thu riêng của Hải Phòng - nơi có cảng biển lớn nhất miền Bắc rất có thể sẽ "châm ngòi" cho hàng loạt địa phương có cảng biển làm theo, ông Tuấn lo ngại.
Ông Tuấn cho biết vừa nhận được đơn "kêu cứu" của doanh nghiệp tại Thái Nguyên, "than" rằng với cách tính phí của Hải Phòng như hiện nay, một năm sẽ phải nộp thêm hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên, điều nghịch lý là hàng nhập về tại cảng Hải Phòng chỉ lưu lại ít thời gian, sau đó được chuyển sang các tàu nhỏ, vận chuyển bằng đường sông. Với chi phí lớn như trên sẽ "ăn mòn" lợi nhuận và khiến doanh nghiệp không thể chịu đựng được.
|
Doanh nghiệp "than" về thu phí cảng biển (Ảnh minh họa: KT) |
Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh: Doanh thu của doanh nghiệp trên mỗi năm khoảng 800 tỷ đồng, nộp ngân sách mỗi năm 30 tỷ đồng. Hiện nay, với 300 triệu đồng của Hải Phòng thu được, nhưng lại khiến doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí đi vào bước đường cùng, buộc phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.
Đề cập đến chính sách thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, vừa qua việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5 luật thuế đã gây xôn xao dư luận, khiến nhiều doanh nghiệp cảm giác như phí thuế đang ngày càng nhiều.
Không chỉ có thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt mà còn một số loại thuế khác cũng sẽ được điều chỉnh như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên.
Riêng với VAT, nó sẽ tác động đến nhiều ngành, không chỉ với "mớ rau, con cá" mà còn cả các ngành như đồ uống, bất động sản, ô tô... và tác động đến hiệu quả của các ngành, lĩnh vực.
Ông Tuấn cũng nêu thực tế: Chúng ta cứ kêu gọi doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tinh (qua chế biến) nhưng chính cách tính thuế tài nguyên của Việt Nam hiện nay lại khiến thuế đối với các sản phẩm qua chế biến chịu thuế VAT cao hơn so với sản phẩm khai khoáng, xuất bán luôn.
Theo ông Tuấn, hàng hóa xuất khẩu hiện tính theo giá của Hải quan, nếu doanh nghiệp khai khoáng xuất khẩu sản phẩm qua chế biến, họ phải chịu thuế VAT nhiều từ khâu khai khoáng, sàng tuyển, chế biến sâu. Nhưng một doanh nghiệp khai thác, bán thô lại không phải chịu nhiều thuế VAT các công đoạn, khiến giá thành thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn xuất thô thay vì đi chế biến, phải chịu thuế phí cao hơn.
"Lẽ ra, để khuyến khích chế biến, Nhà nước chỉ nên đánh thuế đối với phần khoáng sản khai thác lên thôi, còn tất cả các công sàng tuyển, chế biến thì không nên đánh thuế, tức là phải được coi là chi phí được trừ khi tính thuế. Nhưng nếu thu thuế như vậy thì được ít tiền quá. Vậy đó, chỉ vì vài đồng thuế mà toàn bộ ngành công nghiệp chế biến khoáng sản của Việt Nam khó phát triển được", ông Đậu Anh Tuấn thẳng thắn nêu quan điểm.
Dỡ bỏ "rào cản" trong kinh doanh
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng rất rõ, bối cảnh ngân sách hạn hẹp, bối cảnh thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cũng rõ như hội nhập..., giải pháp cũng rất rõ. Vậy, câu chuyện đặt ra là gì? Cách thức thực hiện như thế nào?
Theo ông Hưng, cần phải có đội hình nhất quán, tổ chức bộ máy thực hiện nhất quán, thể hiện tính đồng bộ, hiệu quả trong nền kinh tế hiện đại. Thời gian qua Bộ Công Thương đã bãi bỏ một số điều kiện như formaldehyte, khai báo hoá chất, dán nhãn năng lượng... và tiến trình cải cách này vẫn sẽ tiếp tục. "Điều kiện nào bỏ được ở cấp thông tư là bỏ. Một loạt quy định trong Nghị định thì đang được sửa đổi và trình phê duyệt, trong đó có khí, logistics (hậu cần), gạo, rượu...", ông Hưng chia sẻ.
Trong bối cảnh hạn hẹp về ngân sách, ông Hưng đề xuất, cần khơi thông cơ chế chính sách, huy động nguồn lực từ tư nhân và đầu tư nước ngoài (FDI)....
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng trong của tái cơ cấu trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công thương. Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với từng nhóm doanh nghiệp, sau đó đánh giá tình hình chung. Ngoài ra, cần phải có kế hoạch cả ngắn và dài hạn, có chiến lược đồng bộ, kế hoạch hàng năm và trung hạn. Luật quy hoạch là biểu hiện rất sinh động của điều này, ông Phương lưu ý.
Theo đánh giá của ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc loại bỏ những rào cản trong kinh doanh là rất cần thiết vì các điều kiện kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Vì thế, việc vắt giảm điều kiện kinh doanh là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, ông Phương nhấn mạnh, cần có lộ trình và cơ chế cắt giảm rõ ràng để doanh nghiệp quyết định thời điểm nào họ nên làm lĩnh vực gì. Ngoài ra, quy định, quy trình cũng phải rõ ràng để đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp./.
Theo VOV.