Với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, Australia, New Zealand lọt vào danh sách các thị trường xuất khẩu được chờ đợi có sự bứt phá mạnh của nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là nông sản, thủy sản.
Xuất khẩu không bó hẹp các mặt hàng truyền thống
Không bó hẹp trong những mặt hàng truyền thống như máy móc phụ tùng, thiết bị điện tử, giày dép, hàng dệt may…, danh mục những hàng hóa Việt Nam lọt tầm ngắm nhập khẩu của thị trường Australia đang tiếp tục nối dài.
Những nỗ lực của các hoạt động xúc tiến thương mại và ngoại giao kinh tế đã mang thêm tin vui về triển vọng xuất khẩu sang Australia ngay trong những tháng đầu của năm 2018.
Sau trái vải, xoài và thanh long đã được xuất khẩu vào Australia, quả nhãn của Việt Nam có thể được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cấp phép xuất khẩu từ đầu năm 2019.
Thông tin này được phía Australia xác nhận ngay sau chuyến công tác của cơ quan này đến Việt Nam để đánh giá về quy trình trồng nhãn và kiểm tra, đánh giá thực tế vùng trồng, sơ chế, đóng gói trái cây tại Bến Tre và Hưng Yên.
Không đơn thuần có thêm thị trường xuất khẩu mới, điểm mạnh của trái nhãn Việt nếu được mở cửa vào Australia là giá bán sẽ tốt hơn.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, cùng với thanh long, nhãn tươi hiện là một trong hai mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong Top 10 loại hoa quả xuất khẩu có kim ngạch cao của Việt Nam. Nhãn tươi đã vào được Mỹ và chuẩn bị là Australia…, là nền tảng thuận lợi để tỏa đi nhiều thị trường mới nữa.
Trái xoài tượng xanh (Sơn La) là một trong những mặt hàng có đơn hàng đi Australia mùa đầu tiên năm 2017, được giá hơn bán nội địa khoảng 20%. Công ty TNHH Agricare Việt Nam là doanh nghiệp có công đưa xoài xanh Sơn La sang Australia trong năm 2017 cho biết, lô xoài xanh của tỉnh Sơn La xuất sang Australia hội tụ lợi thế hơn hẳn, trong khi các quốc gia chủ yếu xuất khẩu xoài chín thì chỉ có Việt Nam xuất khẩu xoài xanh, giúp bán được giá hơn, cạnh tranh tốt hơn.
Phấn khởi nhất có lẽ là thủy sản, cụ thể là mặt hàng tôm tươi nguyên con cũng đã đón nhận phản hồi tích cực về triển vọng cấp “giấy thông hành” để xuất khẩu ngay trong chuyến khảo sát vùng nuôi và chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam của Australia trong tháng 2/2018.
TS. Peter Stoutjesdijk, Trưởng phái đoàn Australia cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo đúng quy trình sản xuất, chế biến tôm theo tiêu chuẩn của Australia đề ra sẽ giúp tôm tươi nguyên con rút ngắn đường vào Australia. Ông Peter Stoutjesdijk cũng thông tin, hơn 90% sản phẩm tôm tiêu thụ tại Australia đang đến từ nhập khẩu. Đây là lợi thế để con tôm Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu.
Giảm xuất thô để tăng giá trị hàng hóa
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Australia là thị trường có mức trao đổi thương mại hàng hóa tăng nhanh của Việt Nam trong những năm qua.
Năm 2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Australia đạt 6,45 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2016.
Hết tháng 2/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt xấp xỉ 590 triệu USD, tăng gần 46,8% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 3,28 tỷ USD, tăng 16,1%, chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2017.
Xuất khẩu sang Australia năm 2018 tiếp tục đón tin vui, khi hết tháng 2/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt xấp xỉ 590 triệu USD, tăng gần 46,8% so với cùng kỳ 2017. Trong khi nhập khẩu từ Australia đạt gần 443 triệu USD. Như vậy, hết tháng 2/2018, Việt Nam xuất siêu 147 triệu USD sang thị trường quan trọng này.
Thương mại với New Zealand ở mức khiêm tốn hơn. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - New Zealand đạt hơn 900 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất hơn 425 triệu USD và nhập hơn 401 triệu USD. Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia và New Zealand khá tương đồng.
Đại diện thương mại Việt Nam tại Australia, kiêm Phó tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường khá thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao tại Australia và nhờ uy tín của các mặt hàng đã và đang tạo hiệu ứng xuất khẩu tốt như giày dép, hàng dệt may, trái cây, thủy sản…
“Nhu cầu thị trường Australia rất lớn với mặt hàng thủy sản, nhất là với tôm. Vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để xuất khẩu được tôm tươi nguyên con của Việt Nam sang thị trường này. Nếu được Australia chấp thuận, con tôm sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam”, bà Thúy nói.
Bà Thúy cũng lưu ý, muốn tăng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp cần lưu ý tăng cường xuất các mặt hàng mới và có giá trị gia tăng cao. Hiện nay, xuất khẩu từ Việt Nam vào Australia chủ yếu là xuất thô. Ví dụ, mặt hàng điều chiếm 90% thị trường nước bạn, nhưng là xuất thô chưa qua chế biến, giá trị thấp. Các doanh nghiệp Australia nhập khẩu hạt điều thô và chế biến lại, bán với giá cao.
Hay như mặt hàng cá tra được các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Australia chủ yếu là dạng thô, bán được với giá thấp. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn tập trung xuất khẩu theo hướng chế biến cá tra theo khẩu vị của người tiêu dùng Australia và bán được với giá cao hơn nhiều.
Đại diện thương mại Việt Nam tại Australia cũng thông tin thêm, các quy định kiểm dịch của Australia rất chặt chẽ. Tất cả các loại thực vật nhập khẩu, cho dù tươi hay cấp đông, hoặc những phần của cây cối như quả, hạt, cành, củ... đều phải được kiểm dịch và phải chuyển đến cơ quan kiểm dịch thực vật. Doanh nghiệp Việt cần lưu ý những yêu cầu này để giao thương lâu dài với thị trường Australia.
Theo Báo Đầu tư