TS Thái Văn Vinh
Viện Đại học Công nghệ Hoàng gia Melbourne, Úc (RMIT University, Australia)
Viện Logistics Viết Nam (Vietnam Institute of Logistics)
Những ngày này, chúng ta đang sống trong không khí vui mừng khi đội tuyển bóng đá Olympic quốc gia đạt thành tích là một trong 4 đội mạnh nhất tại Đại hội Thể thao châu Á 2018 cùng với các thành tích khác của đoàn thể thao Việt Nam trùng với dịp kỷ niệm 73 năm ngày đất nước độc lập. Trong 73 năm ấy, nhiều thế hệ người Việt Nam đã góp phần viết lên những trang sử hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, ai cũng nhận thấy rằng vẫn còn một quãng đường rất dài nữa để Việt Nam có thể trở thành một cường quốc trong khu vực và thế giới. Đâu là vận hội để Việt Nam đạt được vị thế này? Chúng ta cần làm gì để tất cả đi đúng quỹ đạo và Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc 5 châu khác?
Cách mạng Công nghệ 4.0 và Vai trò của Logistics
Khái niệm Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã được nói đến rất nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt ở Việt Nam. Lịch sử nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 về cơ giới hoá sản xuất bắt đầu tại nước Anh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 khởi xướng từ cuối thế kỷ 19 và kéo dài đến đầu thế kỷ 20 với những phát kiến về điện, sản xuất hàng loạt, máy tính, hệ điều khiển tự động, các nguồn năng lượn mới…Cuộc cách mạng lần 3 bắt đầu từ thập niên 1970 tiếp nối với sự ra đời của những ứng dụng công nghệ từ máy tính như sản xuất tự động trên nền tảng điện toán, cũng như thiết bị điện tử và Internet mà chúng ta vẫn đang tiếp tục sử dụng ngày nay. Và hiện nay, chúng ta đã và đang đề cập nhiều đến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 (cách mạng công nghệ 4.0), khởi nguồn từ 1 báo cáo năm 2013 của chính phủ Đức, nói về các công nghệ cao như Trí tuệ Nhân tạo (AI) ứng dụng trong sản xuất người máy (Robotics), Internet vạn vật (IoT), Thực tế Ảo (AR), Dữ liệu Lớn (Big Data), In 3 chiều (3-D Printing), Điện toán Đám mây (Cloud Computing), Chuỗi Khối (Blockchain)… và những ứng dụng to lớn của chúng trong kỷ nguyên số hoá. Tại Việt Nam, một trong những câu hỏi đau đáu mà Chính phủ đặt ra là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại và bứt phá trở thành một cường quốc trong thời gian ngắn nhất.
Ứng dụng hiện hành và tiềm năng của các công nghệ 4.0 có thể được nhìn thấy trong rất nhiều lĩnh vực chẳng hạn như sản xuất tự động dùng người máy, robot giúp việc nhà, xe tự hành trong giao thông, y bạ điện tử trong y tế, tiền ảo và các ứng dụng công nghệ khác trong tài chính ngân hàng, chính phủ điện tử…Trong lĩnh vực logistics, các công nghệ 4.0 cũng đã có nhiều ứng dụng phổ quát như xe tự hành trong khai thác mỏ quặng, kết nối chuỗi logistics và cung ứng dựa trên nền tảng Internet vạn vật, ứng dụng công nghệ mới trong giao hàng chặng cuối (last-mile delivery) như các phần mềm tối ưu hoá vận tải kiểu Uber (Uber-style last-mile freight delivery) và máy bay không người lái (drone), ứng dụng công nghệ chuỗi khối trong hàng hải… Tất cả những ứng dụng công nghệ này đều hướng đến hiện thực hoá mục tiêu làm tiết giảm chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động cũng như trải nghiệm tích cực của khách hàng thông qua sự nhìn thấy trong toàn chuỗi và kết nối thông suốt giữa nhà sản xuất và khách hàng cũng như các đơn vị khác trong chuỗi.
Có thể nói những ảnh hưởng của các công nghệ 4.0 đối với các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế quốc dân là vô cùng to lớn. Với vai trò là xương sống của nền kinh tế, logistics đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ tất cả các nghành sản xuất và dịch vụ khác nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt với giá cạnh tranh và làm hài lòng khách hàng. Chính vì vậy, ngoài các lĩnh vực kinh tế khác, việc áp dụng công nghệ 4.0 cũng cần được thực hiện trong nghành logistics ở Việt Nam nơi mà chi phí logistics năm 2016, theo Ngân hàng Thế giới, vẫn nằm ở mức cao khoảng 20.8% trong GDP trong khi chỉ đóng góp khoảng 3% giá trị vào GDP. Tuy nhiên, để tận dụng được thành quả của Cách mạng Công nghệ 4.0 trong việc xây dựng và phát triển Việt Nam hùng cường, câu hỏi đặt ra là liệu việc áp dụng các công nghệ 4.0 thôi có đủ để tạo nên sự bứt phá cần thiết?
Chương trình Kết nối Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2018
Chương trình Kết nối Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2018, diễn ra từ 18/8 – 24/8/2018, là một hoạt động trong khuôn khổ triển khai xây dựng Đề án đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều cơ quan, đơn vị khác cùng một số địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh) tổ chức theo Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 08/4/2018. Chương trình là sáng kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm quy tụ và huy động nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ 100 chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển nhằm tạo sự liên kết khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó tạo động lực đổi mới sáng tạo và tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.
Người viết bài này may mắn là một trong số 100 người Việt được mời về nước đợt này tham gia chương trình, và vinh hạnh được đồng hành cùng rất nhiều tài năng trẻ người Việt đang làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo danh tiếng ở Mỹ, Canada, Úc, châu Âu, Nhật Bản… và ở các tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ như NASA, Google, Microsoft, Tesla... cũng như sở hữu các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài. Người viết bài này cũng là thành viên duy nhất hoạt động giảng dạy và nghiên cứu về logistics trong số rất nhiều tài năng trẻ về công nghệ 4.0, và vì vậy đã có cơ hội học hỏi được rất nhiều từ các bạn trẻ qua chuyến đi này. Có thể khẳng định 1 điều rằng người Việt trẻ ở nước ngoài làm công nghệ khá thành công và là một nguồn lực quý giá có thể đóng góp tích cực đưa công nghệ 4.0 vào xây dựng phát triển đất nước.
Trong suốt 7 ngày tham gia chương trình, đoàn trí thức người Việt ở nước ngoài đã được tham dự những hoạt động rất ý nghĩa, bao gồm gặp gỡ và toạ đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng các bộ Kế hoạch và đầu tư, Khoa học công nghệ, Ngoại giao và Giáo dục và đào tạo, Thông tin và truyền thông, lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, TP Hồ chí Minh cũng như các tập đoàn và doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như FPT, VIN Group, Viettel, Vietjet Air. Đồng thời, đoàn cũng đi thăm Khu công nghệ cao Hoà Lạc ở Hà Nội và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cũng như tham gia vào các phiên thảo luận chuyên nghành với Bộ khoa học và công nghệ, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, và Ngân hàng nhà nước. Đoàn cũng được đi thăm Côn Đảo và tham gia vào hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước.
Thông qua các hoạt động kể trên, người viết bài này nhận thấy một số điều như sau. Một là, lãnh đạo nhà nước và chính phủ, cũng như một số địa phương và các tập đoàn kinh tế lớn, rất tâm huyết với việc làm thế nào tận dụng cơ hội mà các thành quả của Cách mạng công nghệ 4.0 mang lại để chấn hưng và phát triển đất nước theo cách thức đứng trên vai người khổng lồ. Hai là, lực lượng trí thức người Việt trẻ tài năng ở nước ngoài cũng như trong nước sẽ đóng vai trò tiên phong nòng cốt trong việc vận dụng đưa tri thức từ cuộc cách mạng công nghệ này áp dụng vào việc phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Ba là, thực tiễn hiện nay cho thấy có rất nhiều vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc áp dụng thành tựu công nghệ mới, chẳng hạn như giải quyết bài toán “giải cứu nông sản” trong nghành nông nghiệp Việt Nam mỗi năm. Vấn đề đặt ra là, như có đề cập ở trên, làm thế nào để việc áp dụng này phát huy hiệu quả tối đa nhằm đạt được những kết quả kỳ vọng?
Vận hội Việt Nam và Những việc cần làm ngay
Có thể nói chưa bao giờ câu hỏi làm thế nào để phát triển Việt Nam hùng cường lại được đặt ra đau đáu như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước có thể đối mặt với một số nguy cơ như “chưa giàu đã già” hoặc “bẫy thu nhập trung bình”. Trong bối cảnh này, theo thiển ý của người viết có một số việc cần phải được làm ngay như sau:
· Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 cho tất cả các lĩnh vực kinh tế then chốt, đi kèm với lộ trình thực hiện.
· Chính phủ cần chia sẻ và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ mạng lưới trí thức người Việt ở trong và ngoài nước.
· Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, với nòng cốt là 100 chuyên gia trí thức người Việt ở nước ngoài, cũng cần nhanh chóng soạn thảo và thực hiện kế hoạch hành động với sự kết nối hợp tác theo từng lĩnh vực chuyên nghành cũng như khu vực địa lý tương thích với kế hoạch hành động quốc gia từ chính phủ.
Đất nước đang đứng trước 1 cơ hội lớn cần phải được nắm bắt và hiện hực hoá, và điều này cần sự chung tay của tất cả lực lượng bao gồm nhà nước, chính phủ, trí thức và doanh nghiệp. Trong đó, vai trò dẫn dắt và định hướng của nhà nước và chính phủ đóng vai trò then chốt.