Sau một tuần triển khai đại trà thủ tục hải quan điện tử tại Hải quan TPHCM, nhiều doanh nghiệp vẫn phải mất cả ngày để được thông quan hàng hóa
So với khai báo hải quan từ xa, theo lý thuyết, khi triển khai thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp (DN) sẽ tiết kiệm được thời gian chờ làm thủ tục phân luồng hàng hóa (thường mất một buổi hoặc có thể một ngày). DN sẽ thực hiện khai tại đơn vị, sau đó chờ quyết định phân luồng. Nếu kết quả tờ khai của DN là luồng xanh thì chỉ cần in tờ khai đến cơ quan hải quan là có thể nhận hàng. Cả quy trình khai báo và thông quan chỉ mất khoảng một buổi và DN chỉ cần đến hải quan một lần...
Vẫn lúng túng, bị lỗi kỹ thuật
Làm thủ tục hải quan điện tử, DN sẽ chỉ phải nộp lệ phí hải quan một lần hằng tháng thay vì nộp lệ phí sau mỗi lần khai như trước. DN còn được yêu cầu cơ quan hải quan ban hành quyết định trước đối với hàng hóa dự kiến xuất khẩu, nhập khẩu trên cơ sở các thông tin do mình cung cấp. Cơ quan hải quan cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ điện tử cho DN để phối hợp nhanh chóng thông quan hàng hóa. Ngoài ra, tham gia thủ tục hải quan điện tử sẽ làm giảm sự tiếp xúc giữa cán bộ hải quan và DN, tránh phiền hà, giảm chi phí đi lại và các chi phí phát sinh khác cho DN.
Khảo sát thực tế tại một số chi cục hải quan đã tiến hành thủ tục hải quan điện tử cho thấy nhiều DN phấn khởi vì hàng hóa được thông quan nhanh hơn, giảm được nhiều chi phí lưu cảng, lưu kho. Tuy nhiên, không ít DN vẫn gặp phiền toái vì những lỗi phần mềm, lỗi đường truyền và những quy trình khai báo-xác nhận lại vừa tốn thời gian, tốn tiền bạc.
Đại diện một DN tại TPHCM than: Theo quy định, các thông tin đề nghị đưa hàng về bảo quản tại DN sẽ được khai báo tại mục “ghi chép khác” trong tờ khai hải quan điện tử. Tuy nhiên, trên phần mềm khai hải quan điện tử tại DN không có dữ liệu “ghi chép khác” để người khai hải quan có thể điền các thông tin theo quy định. Vì vậy, nhiều DN lúng túng, phải chạy lên chạy xuống cơ quan hải quan nhiều lần.
Một số DN cho rằng trên hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử chỉ tiếp nhận được thông tin khai báo nợ C/O; các chứng từ khác, DN không khai báo nợ được. Hệ thống cũng không cho phép theo dõi và tự động cảnh báo trong trường hợp hết thời hạn cho nợ chứng từ nhưng DN chưa bổ sung. Mặc dù một số chi cục hải quan đã có hướng giải quyết tạo thuận lợi cho DN bằng cách tiếp nhận công văn xin đem hàng về bảo quản rồi quyết định cho phép “mang hàng về bảo quản” trên hệ thống. Tuy nhiên, ở những thời điểm hàng hóa về nhiều, các DN vẫn phải chờ đợi khá lâu mới có thể thông quan...
Lỡ sai là chờ mệt nghỉ
Theo anh T,. bộ phận xuất nhập khẩu (XNK) Công ty TNHH HG (quận Tân Bình - TPHCM), do hệ thống khai thủ tục hải quan điện tử không cho phép khai báo “rác” nên các DN cần kiểm tra thật kỹ nội dung tờ khai trước khi khai báo vì nếu lỡ khai sai thông tin thì việc hủy tờ khai sẽ rất mất công khi cơ quan hải quan đã tiến hành cấp mã số.
Cũng theo anh T., việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử mặc dù bớt được thời gian chờ cho DN nhưng cũng sẽ tăng thêm các trường hợp vướng mắc về bản lược khai hàng hóa (Manifest). Bình thường, khai báo thủ công hoặc từ xa, các DN có thời gian kiểm tra kỹ lưỡng các thông số như tên tàu, số hiệu, số chuyến, cảng xếp hàng, cảng đích, số vận đơn, tên người gửi, người nhận... trong bản Manifest. Nhưng nay làm điện tử nếu có sai sót là phải khai lại từ đầu. Nếu hàng về cảng sớm sẽ phát sinh nhiều chi phí kho bãi, chưa kể việc đi điều chỉnh Manifest thường rất tốn thời gian và tiền bạc, nhiều trường hợp phải chờ 3-4 ngày mới thông quan được.
Ghi nhận tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 (cảng Nhà Rồng-Khánh Hội) sáng 7-1 cho thấy thường xuyên có khoảng 20 lượt DN đến làm thủ tục hải quan điện tử. Số DN bị vướng mắc về Manifest đến chờ đợi để được xử lý, chỉnh sửa khá nhiều. Tiếp xúc với chị Loan, đại diện bộ phận XNK của một công ty kinh doanh ngành thép tại quận 3 - TPHCM, chị cho hay hiện công ty của chị đang vướng mắc trong việc giám định lô hàng 100 tấn thép tại cảng. Từ trước ngày 31-12-2010, công ty đã làm thủ tục nhập 2 lô hàng thép. Tuy nhiên, lô hàng cập cảng Cát Lái đã được thông quan hôm 3-1, còn lô hàng về cảng Nhà Rồng đến nay vẫn chưa lấy ra được do phải đối chiếu lại nhiều chứng từ trong bản Manifest và tờ khai điện tử...
Ông Nguyễn Bá Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1, cũng thừa nhận có một số tờ khai bị vướng mắc phát sinh về phần mềm, chưa xử lý ngay được, phải chuyển qua khai thủ công nhưng không nhiều.
8/11 chi cục thực hiện
Tính đến ngày 7-1, mới chỉ có 8/11 chi cục hải quan trực thuộc Cục Hải quan TPHCM thực hiện tương đối tốt thủ tục hải quan điện tử.
Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, giải thích: Mặc dù theo kế hoạch đăng ký với cơ quan quản lý từ ngày 1-1, tất cả các chi cục trực thuộc Cục Hải quan TPHCM sẽ thực hiện thủ tục hải quan điện tử nhưng tùy vào tình hình cụ thể, tỉ lệ DN hoạt động XNK tại từng chi cục hải quan có thể quyết định triển khai bắt buộc (bỏ hải quan từ xa, thủ công) hay để hai loại hình tồn tại song song.
Trong quý I/2011, Cục Hải quan TPHCM sẽ phấn đấu đưa 100% các chi cục thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở tất cả các loại hình hàng hóa XNK. |
Theo NLĐ