|
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương trong năm 2011 là đẩy mạnh đà xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu ở mức cho phép (dưới 20% kim ngạch XK), đặc biệt hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng xa xỉ.
Dù năm qua, mục tiêu tăng trưởng XK và kiềm chế nhập siêu đã đạt được kỳ vọng, song Bộ Công Thương vẫn cho rằng: Với nền kinh tế có độ mở như VN, chỉ cần lơi lỏng cán cân XNK thì tình hình rất có thể diễn biến theo chiều hướng khó kiểm soát.
Nhân tố mới
Năm 2010, mức nhập siêu được xem là thấp nhất trong vòng một số năm trở lại đây, số tuyệt đối theo Bộ Công Thương ước tính khoảng 12,37 tỉ USD, bằng 17,27% kim ngạch xuất khẩu (XK), trong khi năm 2008 là 28,8% và năm 2009 là 22,5%. Thâm hụt thương mại chủ yếu rơi vào khu vực các doanh nghiệp trong nước với 9,78 tỉ USD, chiếm 79% thâm hụt thương mại của cả nước.
Các doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) chỉ thâm hụt 2,6 tỉ USD, chiếm 21%. Dù năm qua, việc kiềm chế nhập siêu thành công có công của các doanh nghiệp trong nước trong việc tăng trưởng XK, song các DN FDI cũng chiếm hầu hết các mặt hàng chủ lực và chiếm tỉ trọng cao trong nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến. Có thể thấy, trong sự chuyển dịch cơ cấu XK, chiếm tới 53,8% trong tổng kim ngạch XK, phần lớn thuộc về hàng hóa của các DN FDI. Trong khi đó, so tương quan với NK, khối DN này cũng có lợi thế hơn các DN trong nước, khi tỉ trọng nhập siêu thấp hơn. Nói điều này để thấy, sức cạnh tranh về năng suất, chất lượng sản phẩm của các DN FDI luôn cao hơn, cho thấy tiềm năng của khối này quyết định một phần lớn tỉ trọng kim ngạch XNK.
Tỉ trọng công nghiệp chế biến những năm gần đây luôn chiếm trên một nửa kim ngạch XK cũng cho thấy tốc độ chuyển dịch cơ cấu XNK đang diễn ra theo chiều hướng tích cực. Chúng ta đã giảm được một phần lớn xuất khẩu tài nguyên (hiện chỉ còn chiếm trên 11% kim ngạch XK) và giảm tỉ lệ các mặt hàng chế biến thô như nông - lâm - thủy sản hiện chiếm 21% trong tổng kim ngạch XK. Tuy nhiên, xét các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu thì lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Kim ngạch NK các mặt hàng này vẫn ở mức cao, 5,7 tỉ USD trong năm 2010, chiếm 6% kim ngạch NK, các mặt hàng xa xỉ NK chủ yếu vẫn là ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ; xe máy nguyên chiếc; điện thoại di động, hàng điện máy...
Trong khi đó, nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu vẫn được nhập về lên tới 4,93 tỉ USD, chiếm 5% kim ngạch NK. Theo các chuyên gia kinh tế cảnh báo, những yếu tố này nếu vẫn không được khắc phục trong năm 2011, thì đà tăng của nhập siêu vẫn luôn tiềm ẩn.
Tăng XK, giảm nhập siêu
Năm 2011, theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch XK của cả nước sẽ đạt khoảng 78 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010. Trong đó, XK của khu vực FDI (không kể dầu thô) đạt khoảng 38 tỉ USD. Dự báo cũng đưa ra cơ cấu XK các mặt hàng như nhóm nguyên, nhiên liệu (dầu thô, than đá) sẽ giảm dần XK, trong đó dầu thô dự kiến XK khoảng 8 triệu tấn, do để lại sử dụng cho NMLD Dung Quất phục vụ sản xuất trong nước; than đá xuất ở mức 15 triệu tấn. Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản sẽ tập trung thúc đẩy phát triển những sản phẩm lợi thế, có năng suất và giá trị gia tăng cao. Thủy sản dự kiến đạt kim ngạch 6 tỉ USD; XK gạo 6,5 triệu tấn; càphê 1,1 triệu tấn, caosu 800 nghìn tấn... Nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo như: Dệt may, da giày tiếp tục là hai mặt hàng chủ lực với kim ngạch lần lượt là 13 tỉ USD và 6 tỉ USD...
Bộ Công Thương cũng đưa vào kế hoạch thực hiện nhóm các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tập trung vào XK hàng điện tử và tin học, sản phẩm phần mềm, dự kiến xuất khoảng 4 tỉ USD. Về nhập khẩu, bộ dự kiến, tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2011 khoảng 92 tỉ USD, tăng hơn 11% so với 2010. Trong đó, nhóm các mặt hàng thiết yếu, đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn phải đảm bảo NK để ổn định sản xuất. Nhóm mặt hàng cần kiểm soát NK như: Sản phẩm gang thép, than cốc, hóa dầu, gas, đá, kim loại quý phải kiểm soát và hạn chế, tránh tăng đột biến làm gia tăng kim ngạch NK. Nhóm các mặt hàng hạn chế NK như nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng tiêu dùng, ôtô và linh kiện ôtô dưới 12 chỗ, linh kiện xe máy... cần kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không để tăng đột biến.
Bộ Công Thương cũng dự báo mức nhập siêu năm 2011 dự kiến khoảng 14 tỉ USD, bằng 18% kim ngạch XK, trong phạm vi cho phép. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Nhìn vào thực trạng XNK hiện nay, vẫn chưa thấy một chiến lược XK bền vững, do còn phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Do vậy, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng vẫn chủ yếu theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu dựa vào lợi thế so sánh sẵn có, mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị gia tăng XK lớn.
Theo Lao Động
|