|
Trong số danh sách các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong 5 tháng qua, Mỹ và EU hiện vẫn là 2 thị trường hàng đầu, chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Theo công bố từ Bộ Công thương, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang duy trì được quan hệ buôn bán với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2013, xuất khẩu sang thị trường thế giới đạt từ 1 tỷ USD trở lên gồm có 27 thị trường, thì tính đến hết tháng 5/2014, đã có 8 thị trường đạt được mức tăng trưởng này, trong đó riêng Mỹ đạt trên 20 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ và EU hiện vẫn là 2 thị trường chiếm tỷ trọng lớn của nước ta, cán cân thương mại hàng hóa trong trao đổi thương mại với 2 thị trường này luôn duy trì mức thặng dư lớn. Tính chung 5 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào Mỹ đạt 10,77 triệu USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ, EU ước đạt 10,74 triệu USD, tăng 14% và hiện giờ cả 2 thị trường này đều đang chiếm tới 18,4% tỷ trọng xuất khẩu cả nước.
Trước đó, kết thúc năm 2013, Hoa Kỳ là một trong những thị trường mà Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất với giá trị tuyệt đối gần 18,7 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt tốc độ tăng là 21,4% so với năm 2012, với kim ngạch lên tới 23,9% tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng là đối tác xếp thứ 23 về xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia này. Và EU cũng là khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với tổng kim ngạch 24,3 tỷ USD, tăng mạnh,8% và chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, Mỹ và EU hiện là đối tác nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm công nghiệp chế biến. Cụ thể, ở thị trường EU, tính đến hết tháng 4/2014, xuất khẩu cà phê của nước ta đã tăng 32,6%, đạt 648 triệu USD. Mặt hàng thủy sản đạt 385,2 triệu USD, tương đương tăng 27,5% so với cùng kỳ, và chiếm 16,7% tỷ trọng xuất khẩu cả nước. Hạt điều đạt 93,3 triệu USD, tăng 26,3%.
Tại thị trường Mỹ, sau 4 tháng, xuất khẩu thủy sản đã tăng thêm 65,5%, đạt 538,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 23,4% trong tổng xuất khẩu thủy sản cả nước (chủ yếu do xuất khẩu tôm và cá tra). Cà phê đạt 156,2 triệu USD, tăng thêm 5,5%. Hạt tiêu và hạt điều lần lượt tăng thêm là 38,3% và 23%.
Có thể kể tên như hàng dệt may, giày dép các loại, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng…; các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, chè, cao su…
Bên cạnh 2 thị trường hàng đầu là Mỹ và EU, danh sách các đối tác lớn về xuất khẩu của Việt Nam còn có những cái tên khác như ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện nay, mặc dù xuất khẩu sang thị trường ASEAN đang có xu hướng giảm nhẹ xuống còn 7,50 triệu USD nhưng vẫn chiếm tỷ trọng tới 12,8%. Xuất khẩu vào Nhật Bản 5 tháng đầu năm ước đạt 5,95 triệu USD, tăng 12,6% và chiếm tỷ trọng 10,2%.
Những căng thẳng biển Đông kéo dài khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến giao thương giữa hai nước. Tuy nhiên, theo như khẳng định của ông Đỗ Thắng Hải, hiện quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được duy trì ổn định. Bằng chứng là xuất khẩu vào Trung Quốc của nước ta trong 5 tháng đầu năm tăng 23,7% so với cùng kỳ, đạt mức 6,15 triệu USD, và chiếm tỷ trọng tới 10,5%.
Dự báo về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014, Ngân hàng HSBC cho biết, điểm sáng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 vẫn là xuất khẩu. HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013.
Theo Thuongmai.vn
|