|
Tạp chí Tài chính Toàn cầu (Mỹ) ngày 20/1 đưa ra một số kịch bản có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng khác.
Hiện nay, Mỹ, Nhật Bản và hầu hết các nước châu Âu đang vùng vẫy trong nợ nần. Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục trò chơi mạo hiểm với đồng USD. Giá lương thực đang leo thang còn giá dầu lửa toàn cầu tăng mức kỷ lục. Các vụ bạo động lương thực đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
Trong khi đó, tình trạng gian lận và tham nhũng trên các thị trường tài chính thế giới bắt đầu xuất hiện và bong bóng nhà ở có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Phần lớn người Mỹ cho rằng ở thời điểm nào đó Mỹ sẽ sụp đổ toàn bộ hệ thống.
Dưới đây là 12 kịch bản có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế mà thế giới có thể chứng kiến trong năm 2011.
1. Mỹ có thể rơi vào khủng hoảng lớn bất cứ lúc nào
Trung Quốc cho rằng mọi thứ hiện đang tốt đẹp, nhưng nhiều nhà phân tích lo ngại những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc bỗng nhiên quyết định bán hạ giá tất cả khoản nợ mà họ đang nắm của Mỹ.
Hiện nay biện pháp duy nhất để duy trì sự tồn tại của hệ thống tài chính Mỹ là vay mượn khối lượng tiền khổng lồ với mức lãi suất cực thấp. Nếu cách làm đó bị đảo lộn, nó có thể gây hậu quả ghê gớm cho toàn bộ hệ thống tài chính thế giới.
2. Mối đe dọa đối với hệ thống tài chính toàn cầu
Thực tế chính sách QE2 (nới lỏng định lượng) của Mỹ đang gây phản tác dụng. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Ben Bernanke khẳng định mục đích chủ yếu của QE2 là nhằm giảm lãi suất, nhưng trái lại QE2 làm cho lãi suất ngày càng tăng.
3. Quả bóng nợ của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu có thể tan vỡ bất cứ lúc nào
Điều này sẽ đẩy thế giới vào rối loạn. Một báo cáo mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết tổng số các khoản nợ trên thế giới đã tăng từ 57.000 tỷ USD năm 2000 lên 109.000 tỷ USD năm 2009.
Hiện nay thế giới cần nợ thêm 100.000 tỷ USD nữa để hỗ trợ "tăng trưởng kinh tế" trong thập kỷ tới. Vậy "nền kinh tế toàn cầu" mới sẽ hoạt động ra sao nếu thế giới tiếp tục tăng gấp đôi tổng số nợ mỗi thập kỷ?
4. Hậu quả của việc bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ
Khi Chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Liên bang tiếp tục bơm khối lượng lớn USD vào nền kinh tế, Mỹ có thể gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.
Thực tế, người Mỹ bắt đầu chứng kiến lạm phát tăng. Theo kết quả của một nghiên cứu mới, trong 20 năm qua học phí trong các trường đại học ở Mỹ đã tăng 286%; các khoản viện phí, nghỉ dưỡng và các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tăng 269%.
5. Nguy cơ lạm phát từ giá dầu
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát toàn cầu năm 2011 có thể là giá dầu. Hiện nay đa số các nhà kinh tế cho rằng giá dầu có thể vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm 2011. Nếu điều đó xảy ra, giá của tất cả các loại hàng hóa khác trong nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu sức ép rất lớn.
Thực tế cho thấy giá dầu càng cao, mức tăng trưởng của nền kinh tế càng giảm.
6. Lạm phát lương thực
Lạm phát lượng thực đang trở nên tồi tệ ở một số khu vực trên thế giới, từ đó gây ra nhiều vụ bạo động lương thực ở các nước như Tunisia và Algeria.
Nhiều báo cáo cho biết người dân Trung Đông đang tự đẩy họ vào cuộc chiến tranh như một biện pháp để thu hút sự chú ý của thế giới.
7. Khan hiếm vàng bạc
Có nhiều tin đồn tình trạng khan hiếm vàng bạc trên thế giới sẽ diễn ra nghiêm trọng. Nhưng thực tế nhu cầu kim loại quý chưa bao giờ cao hơn. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nhiều nhà đầu tư bắt đầu tìm cách tung ra các kim loại quý của họ? Điều gì sẽ xảy ra khi "vàng giấy' và "bạc giấy" được bán ra nhiều hơn?
8. Tình trạng bi đát của thị trường bất động sản Mỹ
Ngành xây dựng nhà ở có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào cuộc suy thoái nữa bất cứ lúc nào. Thị trường bất động sản Mỹ đang tràn ngập nhà ở mà không có người mua. Nguồn cung cấp nhà ở quá lớn nghĩa là việc xây dựng nhà mới giảm mạnh.
Năm 2010, toàn nước Mỹ chỉ xây dựng 703.000 ngôi nhà mới - con số thấp kỷ lục và giảm 17% so với mức kỷ lục năm 2009.
9. Thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh
Thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh có thể biến năm 2011 trở thành năm ác mộng cho các nhà sản xuất nông nghiệp.
Mùa đông này, người Mỹ chứng kiến rất nhiều kỷ lục mới về thời tiết lạnh giá và mưa tuyết trên khắp đất nước.
10. Cuộc khủng hoảng trái phiếu của các nước
Khủng hoảng trái phiếu của các nước có thể diễn ra nghiêm trọng bất cứ thời điểm nào. Các nhà đầu tư đang ra tay cứu vớt các loại trái phiếu. Hiện nay khoản nợ của chính quyền bang và khu vực ở Mỹ chiếm 22% GDP cả nước.
Nhà phân tích ngân hàng Meredith Whitney khẳng định cuộc khủng hoảng trái phiếu chính phủ mà Mỹ đang đối mặt là mối đe dọa lớn cho hệ thống tài chính của nước này.
Cựu thị trưởng Los Angeles, Richard Riordan, cảnh báo 90% các bang và thành phố ở Mỹ có thể phá sản trong 5 năm tới.
11. Nguy cơ bùng nổ bong bóng USD
Tất nhiên mối nguy hiểm hàng đầu hiện nay là quả bóng USD quá lớn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Hiện nay hầu hết tiền bạc ở Phố Wall không được tạo ra bằng các khoản đầu tư vào công việc kinh doanh sinh lời mà được tạo ra từ các sòng bạc.
Thật đáng sợ, ở thời điểm nào đó các sòng bạc sẽ đổ vỡ và cuộc chơi sẽ kết thúc.
12. Chiến tranh
Thách thức lớn nhất trong mọi thách thức là chiến tranh. Năm 2010, bán đảo Triều Tiên tiến gần đến chiến tranh hơn bất cứ khi nào trong nhiều thập kỷ. Trung Đông có thể bùng nổ chiến tranh bất cứ lúc nào. Chúng ta đang sống trong một thế giới - nơi một vũ khí có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố trong giây lát. Bất cứ cuộc chiến tranh lớn hay nhỏ đều có thể đẩy toàn bộ nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng rối loạn hoàn toàn.
Theo Vietnam+
|