Có khả năng thuế chống bán phá giá giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào EU sẽ tự động hết hiệu lực vào ngày 1-4-2011 sau khi ngành sản xuất nội địa EU tuyên bố không tiếp tục các nỗ lực để kéo dài thời hiệu áp dụng thuế phạt trên.
Theo hãng tin Reuters, Liên minh ngành giày dép châu Âu (CEC), nguyên đơn trong vụ kiện chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc, tuyên bố không kêu gọi kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá 10% và 16,5% lần lượt đối với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Vito Artioli, Chủ tịch CEC, được trang theparliament.com dẫn lời, cho biết: “Chúng tôi không còn nhận được sự ủng hộ của chính phủ các nước EU và nếu tiếp tục như thế này (yêu cầu gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá), chúng tôi chắc chắn sẽ thua. Vì thế, chúng tôi quyết định tiến hành các biện pháp đảm bảo khác”.
Theo ông John Clancy, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), do Hiệp hội các nhà sản xuất giày của châu Âu chính thức tuyên bố không xin gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Trung Quốc và Việt Nam, nên rõ ràng là biện pháp áp thuế chống bán phá giá sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-4.
Theo phản ảnh của một số kênh tin tức của nước ngoài, thông tin trên đã được người tiêu dùng và các nhà bán lẻ của EU hoan nghênh.
Một viên chức của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: Vì chưa nhận được thông báo chính thức của EC, nên chưa thể có bình luận gì về sự việc trên. Tuy nhiên, nếu Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép EU không đệ đơn yêu cầu rà soát cuối kỳ thì việc áp thuế đối với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc sẽ tự động hết hiệu lực, tương tự như việc thuế chống bán phá giá lên xe đạp Việt Nam xuất vào thị trường EU tự động hết hiệu lực vào ngày 15-7-2010.
Không yêu cầu gia hạn việc áp thuế, nhưng CEC cho biết muốn có một cơ chế giám sát khắt khe giá của mặt hàng giày mũ da nhập vào thị trường EU. Ông Clancy cũng xác nhận về giám sát hàng tuần việc nhập khẩu mặt hàng trên.
Tháng 10-2006, EC đã quyết định áp thuế chống bán phá giá 10% đối với giày mũ da nhập từ Việt Nam trong 2 năm. Sau đó, việc áp thuế được gia hạn thêm 15 tháng kể từ ngày 31-12-2009 với mức thuế chống bán phá giá 10%. Theo Reuters, việc áp thuế này đã gây chia rẽ giữa các thành viên EU.
Thuế chống bán phá giá cũng khiến thị phần giày mũ da của Việt Nam tại thị trường EU giảm từ mức 15% của năm 2005 xuống còn 10% vào giữa năm 2009.
Theo Vinanet