|
Chiếc ôtô chuyên dụng của Đội 1 - Đội phòng chống buôn lậu hải quan Móng Cái chốc chốc lại cua gấp, lần theo đường biên lầm lũi tiến lên đỉnh Bắc Phong Sinh.
Càng lên cao, đường càng vắng vẻ. Đến một nhánh đường mòn đầy đá hộc, gã lái xe quay mạnh bánh lái, đèn pha chiếc rực sáng cả một góc rừng.
Đội trưởng Nguyễn Danh Sơn, vẫn lầm lũi ngồi ghế trước, mắt đăm đăm nhìn ra cung đường đang ngày càng nhỏ dần dẫn ra sát dòng Ka Long ngầu bọt. Đá chồm lên sát gầm xe, lục cục mỗi khi bốn chiếc bánh lớn cố vượt vật cản. Hai bên, cây cối mỗi lúc một um tùm.
Được một lát, xe dừng hẳn. Trước mắt chúng tôi, dưới ánh đèn pha cực sáng, một khoảnh bãi đầy đá sỏi lộ ra. Chỉ cách đó chừng mươi mét về phía bên kia đã là đất bạn Trung Quốc.
Sơn khoác vội thêm lên người chiếc áo dạ, đầu đội mũ len kín bước xuống. Chỉ ra khoảng mờ đầy sương giăng, anh bảo: đây là một điểm giới buôn lậu thường xuyên tập kết hàng rồi xé lẻ vận chuyển sâu vào trong thành phố Móng Cái.
Đây cũng là địa điểm mà có lẽ cả đời người đội trưởng ấy cũng không thể quên.
Ngày 17/1/2010, cũng tại bãi sông này, Sơn nhận được tin báo sẽ có một thuyền chở hàng lậu sẽ cập bến. Ngay lập tức, kế hoạch tóm gọn mẻ lưới lớn được đề ra.
Vào lúc 7 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chống buôn lậu Móng Cái phát hiện trên dòng Ka Long xuất hiện một chiếc đò sắt đang lừ đừ trôi từ phía đất bạn vào.
“Khi ấy, cả đội như nín thở để chờ. Chỉ cần đối tượng táp vào bờ, anh em sẽ lập tức tiến hành bắt quả tang, lập biên bản xử lý vi phạm,” anh Sơn nhớ lại.
Chiếc đò đảo một vòng quanh bến sông. Nước đỏ ngầu sủi bọt. Được một lát, thấy yên, gã lái đò đảo bánh lái, con quái vật khổng lồ lừng lững xé nước tiến vào bãi. Trong một chốc, bãi sông yên ắng ồn ào hẳn lên bởi tiếng thúc giục neo thuyền, bốc hàng.
Đúng lúc này, anh em hải quan chồm tới, nhảy thẳng lên thuyền, yêu cầu năm đối tượng có mặt cho kiểm tra hàng hóa.
“Lúc ấy, chúng tôi vẫn nghĩ đã bắt được một mẻ lưới lớn vì trên đò chở đầy điện thoại đã được đóng thành những cục rất lớn. Nhưng không ngờ, các đối tượng lại rất manh động, chúng dùng dao kiếm và tuýp nước chống trả lại quyết liệt,” anh Sơn nhớ lại.
Chưa kịp định thần, thì từ phía bên kia Ka Long, một chiếc đò khác chở hơn 10 gã khác xé nước lao đến. Bãi sông nhỏ trở thành chiến trường lớn. Anh em hải quan chỉ kịp ôm được một cục hàng thì đã bị khống chế lên đò chạy thẳng ra giữa sông.
Chỉ vào khoảng không thăm thẳm trước mặt, Sơn bảo, ranh giới quốc gia ở khoảng này đôi lúc rất mong manh. Như ngày ấy, chỉ cần chống mạnh con sào, đò đã bập bềnh sang nửa sông phía bên kia Trung Quốc. Ba anh em trên con đò của cánh buôn lậu chẳng biết phải làm gì khi bị các đối tượng liên tục dùng dao kiếm chém thẳng vào người.
Nói về giờ phút thập tử nhất sinh ấy, anh Sơn vẫn cứ cười như câu chuyện chưa từng xảy ra. Anh bảo, may nhất lúc ấy, các anh Nguyễn Xuân Tùng, Vũ Văn Khoa đã liều mình lao thẳng vào dòng nước xoáy để thoát về Móng Cái báo tin.
Chiếc đò chở hàng lậu thấy động, chạy một mạch sang Trung Quốc. Tại đây, Đội trưởng Nguyễn Danh Sơn tiếp tục bị giam giữ và hành hạ một cách hết sức dã man. May mắn cho anh, đến đêm cùng ngày, nhờ sự hỗ trợ của lực lượng hải quan Trung Quốc, anh đã được giải cứu thành công.
Khúc sông ấy bây giờ vắng ngắt. Phía bên kia đất khách, chốc chốc chỉ có vài ánh đèn nháy lên rồi vụt lịm. Người đàn ông rắn rỏi trước mắt chúng tôi vẫn cứ cười điềm tĩnh. Anh bảo, sau cái ngày định mệnh ấy, anh nhập viện với thương tích vĩnh viễn lên tới 14%. Vợ con ở nhà đều khóc, đòi anh xin về. Nhưng cứ nhắm mắt, nghĩ đến những bến bãi Ka Long dọc biên đang trở thành điểm tập kết hàng lậu tuồn vào nội địa, anh lại chẳng đành lòng.
Trong câu chuyện của anh em hải quan những ngày cận Tết này, điều được nhắc đến nhiều nhất chính là những lần bị đối tượng buôn lậu đe dọa. Đội trưởng Đội 1, Lý Trần Tuấn vừa cười vừa kể, bản thân anh đã không dưới một lần bị dọa… cho nổ tung nhà bằng bom tự tạo. Nhưng điều các anh lo nhất là khi chính cả vợ con, gia đình mình cũng bị các đối tượng buôn lậu “đưa vào tầm ngắm.”
“Lúc ấy, anh em lại phải làm kiêm thêm nhiệm vụ bảo mẫu, đưa con đi học, đón con về, lúc nào cũng nơm nớp lo cho con,” anh Tuấn tâm sự.
Ngay trong quá trình làm nhiệm vụ, anh em cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Có một lực lượng mà anh em hay gọi vui là “đội bay cảm tử” sẵn sàng liều chết để bảo vệ hàng. Không một ai ở đây chưa đối mặt với tình huống ba bốn xe thuộc đội bay này lao thẳng vào người trong quá trình làm việc. Cùng với những dao, kiếm lăm lăm trên tay, đây cũng chính là lực lượng khiến anh em ngao ngán nhất.
Mặc dù mỗi lần đi bắt hàng lậu, anh em trong đội ai cũng được trang bị đầy đủ, từ mũ bảo hộ, quần áo chuyên dụng và cả súng nhưng mọi người vẫn nói vui với nhau, tất cả cũng chỉ bảo vệ phần nào. Súng thì có nhưng cũng chỉ để "dọa" hoặc cùng lắm là bắn chỉ thiên một phát lấy uy. Còn lại, quan trọng nhất là vẫn sự phối kết hợp với những lực lượng chức năng khác.
Vì thế, chưa một lúc nào, những người làm công tác hải quan thôi đối mặt với nguy hiểm. Nhưng anh em trong Đội 1 giờ nhắc lại những chuyện ấy bao giờ cũng kèm theo tiếng cười rất lớn. Anh Tuấn hỉ hả bảo, bị đe dọa thế gần như là chuyện như cơm bữa, nhưng việc mình thì mình vẫn phải làm, không thể khác được.
Theo Vietnam+
|