Tại dự thảo Thông tư quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính đã bổ sung một số hướng dẫn mới về thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất theo quy định.
Cụ thể, đối với hồ sơ hải quan tạm nhập, khi làm thủ tục hải quan tạm nhập ngoài những chứng từ như đối với hàng nhập khẩu thương mại, thương nhân phải: Đăng ký cửa khẩu tái xuất hàng hóa trên ô “ghi chép khác” của tờ khai hải quan; nộp vận đơn đích danh (ghi rõ tên người nhận hàng) và không được chuyển nhượng, có 1 bản sao ghi số giấy phép hoặc số giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất do Bộ Công Thương cấp (trừ hàng hóa tạm nhập qua cửa khẩu đường bộ).
Bên cạnh đó, đối với bản sao hợp đồng xuất khẩu, so với quy định hiện hành, dự thảo bổ sung quy định: Khi làm thủ tục tạm nhập, công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu hợp đồng xuất khẩu với bộ hồ sơ tạm nhập, ghi rõ số tờ khai tạm nhập, ký tên, đóng dấu công chức trên hợp đồng xuất khẩu và trả cho người khai hải quan để làm thủ tục tái xuất.
Ngoài ra, thương nhân phải nộp 1 bản sao Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương.
Thương nhân cũng phải nộp 1 bản chính Giấy phép tạm nhập tái xuất hàng hóa của Bộ Công Thương (đối với mặt hàng theo quy định phải được Bộ Công Thương cấp phép).
Theo dự thảo, khi làm thủ tục tái xuất, ngoài những chứng từ như đối với hàng hoá xuất khẩu thương mại, người khai hải quan phải khai cụ thể hàng hóa tái xuất thuộc tờ khai tạm nhập nào trên ô “chứng từ đi kèm” của tờ khai hải quan.
Bên cạnh đó, tại dự thảo, Bộ Tài chính chỉ rõ cửa khẩu tái xuất là: Cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong Khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ nằm ngoài Khu kinh tế cửa khẩu đã được UBND tỉnh biên giới công bố đủ điều kiện để tái xuất hàng hóa.
Theo Chính phủ