Baidu và Alibaba là 2 trong số 33 trang web của Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và một số nước khác bị Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ buộc tội tạo điều kiện cho việc kinh doanh hàng giả hoặc không có bản quyền.
Chính phủ Trung Quốc thường xuyên đưa ra những biện pháp mạnh, song nước này vẫn là một nơi dẫn đầu về lượng hàng nhái, hàng giả. Hồi tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh đã một khởi động chương trình hành động nhằm đẩy lui tình trạng này.
Theo báo cáo của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ, trang Baidu có đường link tới các website bán hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Các nhà buôn Trung Quốc cũng dùng trang Taobao – một trang thương mại điện tử được điều hành bởi công ty Alibaba, một trong những công ty trực tuyến lớn nhất Trung Quốc – để thực hiện buôn bán hàng nhái, hàng giả.
Theo New York Times, danh sách "đen" các website không phải một điều tra pháp lý của Mỹ mà là một nỗ lực nhằm kêu gọi chính phủ Trung Quốc ra tay ngăn chặn những hành vi này.
Ông Ron Kirk, Đại diện thương mại Mỹ cho rằng báo cáo này đã đưa ra minh chứng về những thị trường buôn bán hàng phi pháp và tiếp tay cho việc sản xuất và buôn bán hàng giả trên toàn cầu. Mỹ đã thúc giục các cơ quan chức năng đưa ra những biện pháp mạnh để giải quyết nạn hàng nhái, hàng giả trên thị trường Trung Quốc cũng như những thị trường tương tự.
Vào tuần trước, Tổng giám đốc điều hành (CEO) và Giám đốc điều hành (COO) của Alibaba đã từ chức để nhận trách nhiệm sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng những nhà cung cấp giả mạo đã sử dụng trang web này để lừa đảo khách hàng.
Alibaba cũng cho biết khoảng 100 trong số 14.000 nhân viên bán hàng, giám sát viên, và nhân viên quản lý có dính líu đến vụ việc lừa đảo này đã bị sa thải.
Trong một báo cáo bằng văn bản, đại diện Alibaba, ông John Spelich nói rằng: “chúng tôi đánh giá cao những công nhận của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ về những nỗ lực của chúng tôi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với những nhà sở hữu thương hiệu và thúc đẩy hơn nữa sự tín nhiệm và tính liêm chính của những giản hàng trực tuyến của mình vì lợi ích của tất cả các cổ đông.”
Còn đại diện của trang Baidu, ông Kaiser Kuo, đã từ chối bình luận.
Những website khác bị liệt vào danh sách "đen" này còn có trang IsoHunt (Canada), Rutracker (Nga), 91.com (Trung Quốc), Demonoid (Ukraine) và một số website khác của Trung Quốc, Ecuador, Paraguay, Indonesia, Ukraine, Ấn Độ và Argentina.
Theo VnExpress