|
Trang tin điện tử của tạp chí Asia Focus ngày 7/3 cho rằng, quyết định ngừng xuất khẩu gạo của Chính phủ Myanmar, áp dụng từ 1/3 và kéo dài ít nhất tới tháng 7, đã cho thấy những toan tính cả về lợi ích chính trị lẫn kinh tế phía sau.
Theo quyết định được Chính phủ Myanmar công bố hồi tuần trước, nước này tạm thời đình chỉ xuất khẩu gạo để ổn định giá hàng hoá này ngày càng tăng ở thị trường trong nước.
Bên cạnh việc tạm ngừng xuất khẩu gạo từ 1/3 cho tới khi Chính phủ Myanmar xem xét lại quyết định này vào tháng 7 tới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không được phép ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới trong thời gian này.
Quyết định cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan kiểm soát chặt buôn bán tiểu ngạch và các hoạt động đưa gạo ra khỏi biên giới.
Động thái trên được đưa ra giữa lúc Myanmar, nước từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong những năm 1960, đang đẩy mạnh nỗ lực khôi phục sản xuất và tăng cường xuất khẩu gạo.
Các nỗ lực này đã thu được thành quả bước đầu khi trong mấy năm gần đây, xuất khẩu gạo của Myanmar liên tục có xu hướng tăng trở lại, từ 686.436 tấn năm 2008, lên 839.358 tấn năm 2009 và ước khoảng 1,3 triệu tấn năm 2010.
Mặc dù vậy, theo Asia Focus, gạo của Myanmar chất lượng thấp nên ít khả năng cạnh tranh với hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan và Việt Nam, nên thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là CHDCND Triều Tiên và vài quốc gia khác ở Trung Đông và Tây Phi.
Giới quan sát nhìn nhận quyết định của Chính phủ Myanmar gắn liền với những quan ngại về tác động từ rối loạn chính trị đang lan rộng tại Trung Đông, vốn được coi là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu lên trên mức 100 USD/thùng và đặt nhiều quốc gia trước nguy cơ bão giá và lạm phát.
Tại Myanmar, giá gạo và nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác đã tăng đáng kể trong những ngày gần đây. Trong bối cảnh đó, việc ngừng xuất khẩu gạo sẽ góp phần tăng cường dự trữ, bình ổn thị trường và đối phó với nguy cơ giá lương thực và hàng tiêu dùng có thể tiếp tục tăng do giá dầu còn biến động khó lường.
Quyết định ngừng xuất khẩu gạo của Chính phủ Myanmar là một phần của chủ trương kiềm chế giá cả leo thang, nhằm đảm bảo kế hoạch tăng lương mà Chính phủ Myanmar dự định công bố vào tháng 4 tới sẽ tạo được tác động tích cực trong xã hội, khi tăng lương có thể bù đắp được sự leo thang của giá cả sinh hoạt.
Chủ trương này nhằm góp phần giảm nguy cơ bất ổn xã hội, nhất là khi rối loạn Trung Đông đe dọa lan tràn ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, trong đó có Myanmar.
Asia Focus cho rằng, Myanmar được nhìn nhận là nước đặc biệt nhạy cảm với vấn đề giá cả tăng, nhất là sau khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá hàng tiêu dùng năm 2007. Vì thế quyết định phản ánh sự lo ngại sâu sắc của chính quyền Myanmar rằng, rối loạn Trung Đông có thể ảnh hưởng xấu tới môi trường chính trị và xã hội của nước này.
Xét về phương diện kinh tế, quyết định trên của Myanmar còn nhằm tối đa lợi nhuận xuất khẩu gạo. Myanmar hiện rất cần ngoại tệ nên sớm muộn sẽ phải xuất khẩu lượng gạo dư thừa.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách xuất khẩu của Myanmar có thể cảm thấy không vội vã xuất khẩu gạo dư thừa vào thời điểm này vì hai lý do. Thứ nhất, các thị trường xuất khẩu của Myanmar ít bị cạnh tranh.
Thứ hai, hiện đang lởn vởn những lo ngại về khả năng thiên tai trên thế giới có thể làm tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực. Và điều này khiến nhu cầu nhập khẩu và giá gạo trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng.
Trong bối cảnh đó, trì hoãn xuất khẩu có thể giúp Myanmar kiếm được nhiều lợi nhuận hơn là tiếp tục xuất khẩu gạo với mức giá thấp, khoảng 300 đến 310 USD mỗi tấn như hiện nay.
Theo VnEconomy
|