|
Việc hạ giá sàn xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được xem là nỗi lực nhằm hỗ trợ thị trường, nhưn liệu có mang lại kết quả như mong muốn?
Ngày 9/3, VFA chính thức công bố điều chỉnh giảm giá sàn xuất khẩu gạo loại 5% tấm về mức 500 USD/tấn, tức giảm 20 USD/tấn so với trước đó và loại gạo 25% tấm về mức 480 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn. Giá mới này sẽ được áp dụng từ 12/3. Đây là giá bán FOB, đóng gói 50kg/bao.
Từ đầu năm 2011 đến nay, VFA đã có 5 lần điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo, trong đó hầu hết là điều chỉnh giảm giá và áp dụng chủ yếu đối với mặt hàng gạo 25%. Duy nhất là vào ngày 21/2, đơn vị này đã cùng điều chỉnh tăng giá xuất khẩu gạo 5% tấm từ 500 USD/tấn lên 520 USD/tấn và gạo 25% tấm lên mức 490 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với giá trước đó.
Điều này có phải là “hiện tượng lạ” khi mà thông tin từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, hai tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu đạt 1,1 triệu tấn thu về 595 triệu USD, tăng 55,6% về khối lượng, nhưng giá trị chỉ tăng 44,5% so với cùng kỳ. 2011 cũng được đánh giá là năm mà lượng gạo xuất khẩu vào những tháng đầu năm cao nhất từ trước đến nay. Trong đó thị trường Indonesia khối lượng xuất khẩu tăng gấp 9 lần và giá trị tăng 7 lần so với cùng kỳ 2010.
Theo nhìn nhận của ông Trịnh Văn Tiến, chuyên gia về ngành hàng lúa gạo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), thì điều này là hoàn toàn bình thường do đây đang là giai đoạn nông dân nước ta bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân, khiến sản lượng lúa gạo tăng mạnh. Hạ giá sàn xuất khẩu mục đích chính là để khuyến khích xuất khẩu và tiêu thụ lúa hàng hoá cho bà con.
Tuy nhiên, ông Phạm Quang Diệu, Chủ tịch và kinh tế trưởng của AgroMonitor (Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam) lại cho rằng, sở dĩ những tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ở mức cao chủ yếu là do những hợp đồng đã được ký từ năm trước. Còn thực tế hiện nay thị trường xuất khẩu gạo khá ảm đạm.
Philippines quốc gia nhập khẩu gạo lớn trên thế giới thời điểm này vẫn chưa chính thức tham gia thị trường, trong khi hàng năm từ tháng 1, nước này đã xúc tiến việc nhập khẩu.
Mới đây, quốc gia này lại “đánh tiếng” rằng trong năm 2011 sẽ chỉ nhập khẩu gạo ở mức 800 nghìn tấn, giảm mạnh so với mức nước này đã nhập khẩu trong năm qua là 2 triệu tấn. Điều này đã khiến các nhà xuất khẩu gạo trên thế giới đều phải “nhìn nhau”, thậm chí, hiện nay có đơn vị còn chào bán gạo 25% giá ở mức dưới 400 USD/tấn.
“Việc VFA hạ giá sàn xuất khẩu khó có thể hỗ trợ cho việc xuất khẩu cũng như thúc đẩy việc thu mua lúa trong nước giai đoạn này”, ông Diệu nhìn nhận.
Theo phân tích của ông Phạm Quang Diệu, ước tính vụ Đông Xuân lượng gạo hàng hoá phục vụ cho xuất khẩu vẫn đảm bảo ở mức 3 triệu tấn (không hề giảm so với năm trước như một số ý kiến lo ngại trước đây về tình hình sâu bệnh, xâm ngập mặn…).
Trên thị trường, giá thu mua lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm khá mạnh từ mức gần 6.000 đồng/kg của tuần trước, nay chỉ còn ở mức 5.200- 5.300 đồng/kg. Mặc dù, các doanh nghiệp theo sự phân bổ và chỉ đạo của VFA đã bắt đầu tiến hành việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho nông dân.
“Trong tình hình hiện nay chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo do VFA triển khai cũng khó vực dậy thị trường vì các doanh nghiệp đang phải đối mặt với lãi suất vay vốn ở mức cao. Việc xuất khẩu lại phải đối mặt với nhiều rủi ro”, ông Diệu nói.
Do vậy, theo ông Diệu, Chính phủ cần sớm có sự hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu mua lúa gạo cho người dân để ngăn cho giá mua vào không tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, cần chủ động ký kết các hợp đồng ở cấp Chính phủ để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp.
Theo VnEconomy
|