|
Thủ tướng đã yêu cầu tập trung giảm nhập siêu, dự kiến dưới 16%, thì năm nay cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư trên 2 tỷ USD.
Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội sáng 26/3, khi có nhiều ý kiến của đại biểu liên quan đến thị trường ngoại tệ.
Theo Thống đốc, năm 2008 trở về trước thì cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, năm 2009 thâm hụt lên tới 8,8 tỷ USD. Năm 2010 đã giảm thâm hụt rất lớn, chỉ còn có 3,07 tỷ USD.
Người đứng đầu ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, dự kiến cán cân tổng thể thanh toán kinh tế của năm 2011 thặng dư lớn. Nếu theo kế hoạch cũ là Chính phủ điều hành nhập siêu dưới 18% so với kim ngạch xuất khẩu thì ngân hàng cùng với các ngành xây dựng cán cân thặng dư là 700 triệu USD. Nhưng bây giờ Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành tập trung giảm nhập siêu, dự kiến điều hành dưới 16%, thì năm nay cán cân có thể thặng dư trên 2 tỷ USD.
Về ý kiến đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của Ủy ban Kinh tế về cân đối cung cầu ngoại tệ gặp khó khăn thời gian qua, ông Giàu nói: “Nhiều lần Thủ tướng nhắc nhở trong quản lý việc phối hợp giữa bộ, ngành trong đó nòng cốt là Ngân hàng nhà nước chưa chặt chẽ”.
Và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an, phối hợp với ủy ban nhân dân địa phương tăng cường quản lý thị trường.
Hiện nay, theo đánh giá của Thống đốc thì mạng lưới được hoạt động thu đổi ngoại tệ, cũng như mua, bán ngoại tệ của ngân hàng đã mở rộng đảm bảo phục vụ được cho dân. Tại địa bàn Hà Nội có 1.689 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn 44 đại lý thu đổi ngoại tệ ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Tương tự, ở Tp.HCM có 1.329 điểm và 59 đại lý.
Thời gian vừa qua sau khi quản lý chặt chẽ, nhất là tăng cường kiểm tra với công an thì thị trường tự do khép lại, các ngân hàng đã thông báo và tạo điều kiện để bán một phần ngoại tệ tiền mặt cho các đối tượng có nhu cầu đi nước ngoài, Thống đốc cho biết.
Thống đốc cũng “nhân đây báo cáo với Quốc hội” là các thẻ quốc tế hoạt động ở Việt Nam rất tốt. Hầu hết cán bộ hay nhân dân đi công tác, đi học tập, đi chữa bệnh và cả đi du lịch hiện nay cơ bản sử dụng thẻ. Tuy nhiên “bà con Việt Nam mình muốn mang một ít tiền mặt để phòng bất trắc”.
Không có việc cấm đoán lưu thông vàng
Ngay từ khi thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đã “phê” Chính phủ quản lý thị trường vàng chưa tốt.
Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng không thể để Đô la và vàng miếng được kinh doanh mua bán như các loại hàng hóa khác.
Riêng về vàng miếng, theo đại biểu Lịch, “vấn đề lớn nhất là việc cất trữ tài sản dưới hình thức vàng của nhân dân cần được tôn trọng và được giao dịch như tài sản, nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt chúng ta không thể chấp nhận sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán”.
Đại biểu Lịch cho rằng “vô tình chúng ta biến những lượng vàng, 37,5 gram, 5 chỉ, 1 chỉ thành những đồng tiền vàng thì chúng ta không kiểm soát được”. Và trên thế giới không còn ai sử dụng đồng tiền vàng để thanh toán.
Trong khi đó, tại Việt Nam, vàng miếng phát triển rất nhanh và đang trở thành một phương tiện thanh toán đã phát sinh thêm đầu cơ giá vàng làm giá vàng trong nước xáo trộn và có lúc tách rời giá thế giới.
“Chúng tôi có đề xuất với Chính phủ là tiến tới sẽ ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng, trong đó đưa ra lộ trình tiến tới quản lý chặt chẽ vàng miếng”, Thống đốc nói.
Thống đốc cũng nhấn mạnh, đây là một lộ trình sẽ được xây dựng hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
“Một số thông tin cho rằng ban hành Nghị quyết 11 là cấm đoán việc lưu thông vàng miếng là làm tổn thất tài sản của nhân dân. Tôi khẳng định việc đó không có. Chúng ta sẽ triển khai phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân”, Thống đốc Giàu khẳng định.
Theo VnEconomy
|