Giá xăng, dầu liên tục tăng từ đầu tháng đến nay khiến các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí một số doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn và áp lực về giá xăng dầu?
Giảm các loại phí?
Ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH thương mại, dịch vụ vận tải Đặng Tiến (quận Bình Thạnh, TPHCM) than phiền, hơn 15 container hàng hóa đã ký hợp đồng vận chuyển phải đến 2 ngày nữa mới hoàn tất. Do thời gian giữa hai lần tăng giá xăng, dầu quá ngắn và chênh lệch quá cao khiến doanh nghiệp không thể thương lượng được với khách hàng để lên giá được. Như vậy công ty lỗ trên 500.000 đồng/container vì giá vận chuyển lô hàng này phải thực hiện theo giá cũ.
Tương tự doanh nghiệp vận tải Minh Thành cho biết, lần điều chỉnh giá cước trước đó (đợt giá xăng, dầu tăng vào 24- 2), các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cũng thống nhất tăng thêm 20% nhưng đến bây giờ, nhiều khách hàng vẫn chưa thể chấp nhận giá cước trên. Vì thế, trong đợt tăng giá xăng, dầu lần này, khó có thể tăng giá cước. Nhiều doanh nghiệp vay ngân hàng theo hình thức cho thuê tài chính gặp phải tình trạng phương tiện được đầu tư nhiều nhưng không có hàng để chạy.
Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng hóa TP, giá điện cùng giá xăng tăng gần như một lúc đã đẩy giá phụ tùng và các chi phí liên quan đến ngành vận tải lên đến 15- 20%. Chi phí lãi vay ngân hàng, lương tài xế cũng bị cuốn vào vòng xoáy “bão giá” khiến chi phí đầu vào tăng dồn dập. Do vậy để sống được, các DN buộc phải tăng giá và cuối cùng, khách hàng là người phải gánh chịu.
Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM Tạ Long Hỷ cho biết, làm sao có thể cân đối mức lãi 20% để có thể trả nợ cho ngân hàng. Nhiều hãng taxi đang nhức đầu vì xăng dầu cứ liên tục tăng. Trước đó, nhiều hãng taxi đã tăng giá cước trung bình 12-15%. Nhiều hãng cũng chỉ vừa mới hoàn tất kiểm định đồng hồ; lập trình lại đồng hồ tính cước với mức giá mới. Để giảm thiểu khó khăn cho hoạt động kinh doanh taxi, hiệp hội đã kiến nghị cơ quan chức năng giảm thuế VAT nhưng kiến nghị này chưa được chấp nhận. Để có thể tiếp tục tồn tại khi giá nhiên liệu tăng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM kiến nghị giảm lệ phí cầu đường, giảm mật độ trạm thu phí.
Thay đổi cách làm
Với tỷ lệ chi phí nhiên liệu chiếm 40% nên giá xăng đã tác động ghê gớm đến hoạt động của các DN vận tải khiến giá cước vận tải tăng khoảng 10%. Tuy nhiên đây chỉ là mức thương lượng đối với hợp đồng cũ. Riêng với hợp đồng mới, giá cước phải tăng 15%-18%, DN mới có thể hoạt động được. Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tại bến xe miền Đông và miền Tây cho rằng: “Giá cước vận chuyển hành khách đã được các DN điều chỉnh tăng từ 15%-20% tùy theo chặng và tùy theo hãng xe sau khi giá xăng điều chỉnh tăng. Trước đó, ngay sau khi giá xăng điều chỉnh tăng, các DN vận tải hành khách trên địa bàn TP đã tăng giá vé lên từ 10-15% so với giá vé trước đó tùy theo chặng, mặc dù giá vé vẫn niêm yết không thay đổi khiến hành khách bất ngờ. Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, hành khách đi xe tuyến TPHCM về An Giang cho biết: tôi đi xe tuyến này rất thường xuyên nhưng rất bất ngờ trước giá vé tăng thêm hơn 10%, trong khi giá vé vẫn niêm yết không thay đổi.
Các doanh nghiệp sẽ buộc phải tăng giá và với mức giá cả đang tăng như hiện tại, cộng với giá cước vận tải tăng thêm sẽ đẩy khó khăn và áp lực tăng giá về phía người tiêu dùng. Trước những khó khăn trên, bài toán giảm chi phí giá thành cần được tính toán lại để DN tránh lỗ. Đã đến lúc DN phải thắt lưng buộc bụng, tính toán chi li và chống lãng phí triệt để mới hy vọng tồn tại. Sự điều chỉnh giá xăng dầu buộc DN phải đổi mới phương tiện, giảm chi phí đầu vào, hoặc chấp nhận thu hẹp kế hoạch kinh doanh để tiếp tục phát triển, nếu không chắc chắn nhiều DN đi vào thế kẹt và như thế, khó khăn là không tránh khỏi.
Theo SGGP